(HNM) - Người Việt quan niệm chỉ có kiến thức mới giúp thoát khỏi đói nghèo, giúp đổi đời, có danh vọng, giúp dân trị quốc, mang lại vinh quang cho dòng tộc, cho quê cha đất tổ. Những người có học, có tài được trọng dụng, là rường cột của nước nhà.
Họ trước hết là nhân cách thanh cao, trong sạch. Xã hội công nhận họ, kính trọng họ bao nhiêu thì càng biết ơn những người đã dạy dỗ họ nên người, thành tài. Truyền thống tôn sư trọng đạo bắt nguồn từ đó. Truyền thống hiếu học cũng bắt nguồn từ đó. Người thầy bao giờ cũng có một vị trí đặc biệt trong xã hội và trong lòng mỗi người Việt - Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy.
Kể từ đổi mới, cơ hội đi học, phát huy tài năng được mở thật rộng cho mỗi người. Từ khi mở cửa, hội nhập với cộng đồng thế giới thế hệ trẻ lại càng có nhiều điều kiện tiếp cận với các thành tựu cách mạng khoa học - kỹ thuật của thế giới thông qua các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam với các đối tác danh tiếng khắp Âu - Mỹ.
Hệ thống đại học - cao đẳng phát triển nhanh đến chóng mặt. Giờ đây không chỉ có các trường công, trường tư mà các tỉnh đều có đại học riêng của địa phương. Nhiều tỉnh đủ cả ba loại trường, tới mức trường thừa, trò thiếu. Năm ngoái, để tuyển sinh một số trường đã đưa ra những chương trình khuyến mãi thật lạ: Hạ thấp điểm tuyển, miễn phí ký túc xá, miễn học phí ba tháng, thậm chí cả một học kỳ…
Chương trình đào tạo đa dạng, hấp dẫn đáp ứng mọi thị hiếu của thí sinh và phụ huynh - dù đó là trường du lịch, văn hóa, thủy lợi, ngôn ngữ hay kỹ thuật thì chương trình đào tạo cũng đủ tất cả những ngành nghề thời thượng nhất, từ CNTT, quản trị kinh doanh đến kế toán - ngân hàng… Để nổi danh và thu hút thí sinh, một số trường "tạo dựng" đội ngũ giảng viên lão luyện và tài năng hết sức đơn giản và hiệu quả - giải quyết học hàm cho giảng viên về hưu; lo học vị cho giảng viên trẻ… miễn họ xuất thân từ những trường danh tiếng và chịu "đầu quân".
Để thu được lợi nhuận từ truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc, người ta sẵn sàng làm tất cả. Tuyệt chiêu mới nhất là "liên kết", "du học tại chỗ". Về phần liên kết đào tạo này, báo cáo của Thanh tra Chính phủ 6 tháng đầu năm cho biết kết quả tại 18 trường trong giai đoạn 2006-2010: Trong 419 chương trình liên kết tới 46,5% chưa được bộ cấp phép; Ngay cả những trường danh tiếng như Đại học Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Đại học Vinh, cũng nhiều vi phạm trong liên kết đào tạo; 16/20 chương trình liên kết của Đại học Quốc gia Hà Nội không có thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác... Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT không công nhận 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm của Đại học Quốc gia Hà Nội và bằng thạc sĩ kinh tế do Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cấp...
Dù những gì được công bố mới chỉ phần nổi nhưng cũng đủ để thấy lòng hiếu học của dân tộc đang bị lạm dụng, buôn bán thế nào. Nhân vụ một đoạn băng quay cảnh gian lận trong một hội đồng thi tốt nghiệp phổ thông được tung lên mạng, Báo Hànộimới có bài nhận xét rằng tiêu cực tập thể đang trở thành một xu thế trong giáo dục phổ thông. Với kết quả thanh tra vừa công bố, cũng có cơ sở để khẳng định trách nhiệm, đạo làm thầy trong giáo dục cao đẳng đang sa sút nghiêm trọng, với không ít người đã thật sự đáng báo động.
Bệnh nguy hiểm của giáo dục giờ đây không phải là chương trình hay cơ sở vật chất. Nó là tâm bệnh - đạo làm thầy, đạo đức người thầy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.