Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền thông Đức ca ngợi chính sách kinh tế của Việt Nam trong khủng hoảng

Theo Mạnh Hùng (TTXVN)| 18/04/2020 15:11

Trang tin Làn sóng Đức (DW) ngày 17-4 có bài viết ca ngợi Việt Nam gặt hái được những thành công nhất định khi nỗ lực chiến đấu với đại dịch bằng tất cả sức mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với suy thoái do đại dịch Covid-19.

Ông Carl Thayer. Ảnh: TTXVN

Theo bài viết, trong báo cáo đầu tiên liên quan cuộc khủng hoảng Covid-19, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định triển vọng của nền kinh tế toàn cầu rất ảm đạm và được dự báo sẽ giảm 3% trên toàn thế giới trong năm 2020.

Đối với châu Á, lần đầu tiên trong 60 năm qua, IMF không dự đoán khu vực vốn đạt bùng nổ kinh tế trong những năm gần đây có thể đạt tăng trưởng. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cũng vừa công bố nền kinh tế nước này đã sụt giảm 6,8% trong quý I-2020. Tuy nhiên, Việt Nam lại làm khá tốt trong vấn đề kinh tế. Tuy số liệu trong quý đầu tiên của năm 2020 thấp hơn dự kiến, song vẫn đạt tăng trưởng 3,82%. Trao đổi với DW, chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) cho rằng đây là một "thành tựu đáng chú ý".

Bài viết cũng cho biết, Việt Nam đã thực hiện chiến lược kiểm soát vi rút SARS-CoV-2 từ rất sớm và do đó số ca lây nhiễm ở mức thấp (268 ca), theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Ông Carl Thayer cho biết, trong khi thực hiện giãn cách xã hội cũng như áp đặt những hạn chế về giao thông công cộng để phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam vẫn để vận hành những ngành nghề then chốt. Những chuyến xe buýt vẫn chở công nhân tới nơi làm việc, trong khi xe tải vận chuyển hàng hóa vẫn được lưu thông.

Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, thậm chí, ngành điện tử và ngành Y tế - dược phẩm bất chấp việc cách ly xã hội vẫn đạt tăng trưởng trong quý I, tương ứng là 14% và 44%. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn sự sụt giảm tăng trưởng.

Ngoài những thành tựu kể trên, giống như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Ngành du lịch, hàng không và ẩm thực bị ảnh hưởng nặng nề do các quy định hạn chế đi lại và cấm nhập cảnh. Ngành du lịch vốn được coi là ngành chiến lược của Việt Nam thiệt hại từ 3-4 tỷ USD trong quý I-2020 và không ai có thể kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng bởi mùa du lịch chính từ tháng 2 đến tháng 5 lại rơi vào giữa giai đoạn khủng hoảng.

Bài báo cũng cho rằng, hầu hết biện pháp chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được gia hạn, song Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn nhanh chóng kết thúc tình trạng này để bắt tay phục hồi kinh tế.

Theo ông Thayer, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể thành công trong việc nỗ lực duy trì sự cân bằng rất khó khăn giữa bảo vệ sức khỏe và lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, mọi thứ có thể sẽ trở nên khó khăn hơn khi khủng hoảng để lại những vết cắt sâu và việc chính phủ thiếu nguồn thu có thể khiến Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều sự lựa chọn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông Đức ca ngợi chính sách kinh tế của Việt Nam trong khủng hoảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.