(HNMO)- Đó là một trong những đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội tại hội nghị chuyên đề: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội...
Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 04 Tưởng Phi Chiến; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 04 Hồ Quang Lợi chủ trì hội nghị.
Chương trình 04 về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015” là một trong 9 chương trình quan trọng của Thành ủy Hà Nội khóa XV. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, những năm qua, Chương trình 04 đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố và đạt được nhiều kết quả khả quan trên cả 3 lĩnh vực: phát triển văn hóa – xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Với những kết quả đạt được trong việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình 04 sẽ là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng chương trình công tác về lĩnh vực này trong nhiệm kỳ đại hội mới, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của công tác tuyên truyền.
Hội nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội sáng 12-8 |
Trong lĩnh vực phát triển văn hóa – xã hội, thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa, bồi dưỡng rèn luyện ý thức tự nguyện, tự giác tìm hiểu và chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô; đặc biệt, công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua triển khai thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với cuộc vận động “Thanh niên làm theo lời Bác”, cuộc vận động “5 tiết kiệm”... Tập trung tuyên truyền các hoạt động bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, phát huy có chọn lọc các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, một số lễ hội truyền thống, các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian; tuyên truyền các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, nghệ thuật, du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu các công trình văn hóa Thủ đô đến với bạn bè quốc tế...
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cơ quan truyền thông tuyên truyền các hoạt động giáo dục, đào tạo của Thủ đô đối với các lứa tuổi, cấp học, ngành học. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của thành phố, các chương trình mục tiêu, chương trình hành động, nhằm cung cấp nguồn nhân lực cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; coi đầu tư cho nhân lực là động lực tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô; chú trọng phát triển, đào tạo, thu hút chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, trí thức trẻ, các văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, lao động lành nghề và cán bộ khoa học đầu ngành. Tăng cường thông tin các hoạt động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Công tác đào tạo nghề, đặc biệt cho lao động nông thôn, đào tạo nghề chất lượng cao được tập trung chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu thực tế và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hằng năm, thành phố Hà Nội đã tiến hành bình chọn, tôn vinh các tập thể, cá nhân xuất sắc, các tấm gương “Công dân Thủ đô tiêu biểu”; giới thiệu các mô hình kinh tế giỏi, các hộ gia đình giúp nhau làm kinh tế.
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một chủ trương lớn, được sự đồng tình, nhất trí rất cao. Đó là niềm tự hào, trách nhiệm phải kế thừa và phát huy truyền thống thanh lịch, văn minh của người Thăng Long-Hà Nội. Những năm qua, lĩnh vực này rất được quan tâm chỉ đạo, thực hiện thường xuyên trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Dưới sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội, các cơ quan truyền thông của thành phố đã chú trọng tuyên truyền khẳng định các giá trị văn hóa, xây dựng môi trường lành mạnh, quan hệ xã hội giàu tính nhân văn, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, vận động nhân dân có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa... Tổ chức các chương trình hoạt độngvăn hóa cộng đồng, như: “Ấn tượng hà Nội”, “Hà Nội đẹp và chưa đẹp”;...; xây dựng các chuyên trạng, chuyên mục mới nhằm đưa Chương trình 04 vào cuộc sống, điển hình như Báo Hànộimới tuyên truyền trên tất cả các ấn phẩm; phát động cuộc thi viết “Nét đẹp người Hà Nội” góp phần giới thiệu những tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng Thủ đô; mở chuyên trang, chuyên mục: “Suy ngẫm đầu tuần”, “Đối thoạt Chủ nhật”, “Luận bàn và hành động”... Đài phát thành và truyền hình Hà Nội có chuyên mục: “Người Hà Nội-Người Tràng an”, “Hà Nội của chúng ta”...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác tuyên truyền thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót, như: tại một số địa phương, đơn vị mới chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực văn hóa, xã hội trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa được coi trọng thực hiện một cách tương xứng. Thông tin khoa học và công nghệ ở các vùng nông thôn và trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu. Việc tuyên truyền cho 43 đề án, dự án thuộc lĩnh vực của Chương trình 04 còn dàn trải, chưa được đẩy mạnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến cho rằng, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài; hình thức, nội dung tuyên truyền phải hấp dẫn, phù hợp với đối tượng tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức và hành động cho đông đảo người dân. Bên cạnh tuyên truyền một cách toàn diện, cần tập trung tuyên truyền chuyên sâu hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn để đạt hiệu quả cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.