Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền hình trả tiền trước sức ép... xuyên biên giới

Việt Nga| 17/10/2020 06:23

(HNM) - Mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng song các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước đang phải đối mặt với sức ép không nhỏ. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp đến từ sự phát triển của internet băng rộng, tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ truyền hình trên internet (còn gọi là truyền hình OTT) từ các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới.

Doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước đang phải đối mặt với sức ép từ các nhà cung cấp nền tảng dịch vụ xuyên biên giới.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), doanh thu 6 tháng năm 2020 trên lĩnh vực truyền hình trả tiền đạt gần 4.400 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019 (là 4.160 tỷ đồng). Cả nước hiện có 13,8 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (có phát sinh cước), tăng 27% so với cùng kỳ. Trong số 13,8 triệu thuê bao truyền hình trả tiền thì truyền hình cáp chiếm hơn 10,059 triệu thuê bao, còn lại là thuê bao truyền hình kỹ thuật số mặt đất, thuê bao truyền hình số vệ tinh, thuê bao truyền hình internet và thuê bao truyền hình di động. Thống kê cho thấy, trong số 35 doanh nghiệp truyền hình trả tiền thì có 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình internet. 

Việc các nhà cung cấp nền tảng theo hình thức xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam đã đe dọa đến sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó có truyền hình trả tiền. Với lợi thế về công nghệ, nguồn lực, các nền tảng xuyên biên giới đã, đang “làm mưa làm gió” tại thị trường, như: Netflix, Amazone TV (Mỹ), WeTV (Trung Quốc)... Riêng Netflix, chỉ sau thời gian ngắn thâm nhập thị trường Việt Nam đã có trên 300.000 thuê bao (số liệu tháng 5-2020) và đã thu phí người dùng với mức phí thuê bao tháng từ 180.000 đồng trở lên (tùy gói dịch vụ). Không chỉ nhanh chóng "hút" một lượng không nhỏ khách hàng, các nền tảng này cũng lấy đi nguồn quảng cáo ít ỏi còn lại, đẩy "nhà đài" trong nước cùng các lĩnh vực nội dung số, truyền thông, báo chí... gặp không ít thách thức.

Thêm nữa, xu hướng thuê bao truyền hình truyền thống gắn với hạ tầng viễn thông có chiều hướng bão hòa, thậm chí giảm nhẹ, trong khi lượng thuê bao truyền hình trên mạng internet ngày càng tăng, hiện có 30 triệu lượt tải và đăng ký xem ứng dụng truyền hình trong nước (số liệu đến hết tháng 8-2020). Theo ông Nguyễn Chấn, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) thì mặc dù tỷ trọng doanh thu từ truyền hình OTT là 120 tỷ đồng còn khoảng cách lớn với truyền hình truyền thống (khoảng 8.600 tỷ đồng năm 2019) nhưng doanh thu truyền hình OTT đã tăng gấp 5 lần từ năm 2017 đến năm 2019.

Nghịch lý là ở chỗ, trong khi các doanh nghiệp truyền hình trong nước phải trải qua khâu “tiền kiểm” chặt chẽ trước khi cung cấp dịch vụ, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, thì truyền hình xuyên biên giới chưa bị ràng buộc bởi các căn cứ pháp lý.

Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước phải sớm “quản” truyền hình xuyên biên giới, ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim nêu ví dụ: Netflix phát hàng chục bộ phim có nội dung vi phạm quy định pháp luật, đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý ngay. Ông Trần Văn Úy, Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền hình cáp Saigontourist (truyền hình SCTV) nêu rõ, cơ quan quản lý cần quy định tất cả dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải được cấp phép trước khi vào Việt Nam, nội dung phải được biên tập, biên dịch trước khi phát.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (truyền hình MyTV, thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) Nguyễn Văn Tấn đề xuất, cơ quan quản lý cần áp dụng biện pháp ngăn chặn truyền hình xuyên biên giới phát vào Việt Nam bằng cách yêu cầu nhà mạng dừng cung cấp dịch vụ CDN (máy chủ lưu trữ dữ liệu) cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài kể trên…

Được biết, các kiến nghị này sẽ được cơ quan soạn thảo là Bộ Thông tin và Truyền thông chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (ngày 18-1-2016) của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình để trình Chính phủ ban hành sớm nhất. Đây sẽ là cơ sở để quản lý hoạt động truyền hình theo yêu cầu, đặc biệt là dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới hiện nay.

Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra là trước sức ép từ truyền hình xuyên biên giới, truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào? Rõ ràng, truyền hình OTT đã có những bước tăng trưởng mạnh và là xu thế tất yếu, từ đó đòi hỏi các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước phải chuyển đổi hoạt động cung cấp dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa trên môi trường mạng để hóa giải sức ép từ truyền hình xuyên biên giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Truyền hình trả tiền trước sức ép... xuyên biên giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.