Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường Sa - Hành trình giàu cảm xúc

Văn Ngọc Thủy| 20/06/2023 09:03

(HNM) - Tôi may mắn hai lần được tham gia đoàn công tác của thành phố Hà Nội thăm và làm việc với quân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Dù lần đầu hay lần sau thì cảm xúc khi đặt chân tới phần lãnh thổ thiêng liêng giữa trùng khơi, với những con người đang ngày đêm vững tay súng giữ yên biển trời Tổ quốc vẫn vẹn nguyên như thế!

Phóng viên Báo Hànộimới tác nghiệp ở đảo An Bang. Ảnh: PV

Háo hức là cảm giác chung của những người lần đầu đến Trường Sa, nhưng với cánh phóng viên thì còn thêm cảm giác lo lắng, không hiểu mình sẽ tác nghiệp thế nào giữa bốn bề sóng gió.

Sau hơn một ngày làm quen với cảm giác lắc lư, bồng bềnh là đến những ngày sống như bộ đội. 5h sáng, hiệu lệnh “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!” vang lên là phải vệ sinh cá nhân thật nhanh, nhất là khi ở với hơn chục người trong một phòng, chung một nhà vệ sinh, và bởi 5h30 là giờ ăn sáng để kịp chuyến xuồng đầu tiên rời tàu lúc 6h vào đảo. Phóng viên và đội văn nghệ xung kích luôn được lên chuyến xuồng đầu tiên vào đảo và cũng là những người rời đảo sau cùng. Bởi tâm trạng háo hức cộng thêm nỗi lo lắng về công việc khi thời gian ở lại mỗi đảo chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ nên các nhà báo luôn có mặt ở nơi tập trung rất đúng giờ.

Nắng ở biển đến rất sớm, rất rát, cộng với gió mang hơi mặn, mồ hôi chảy đến đâu là dính bết vào người đến đó. Những đảo nổi như An Bang, Sinh Tồn, Song Tử Tây... còn có bóng cây, chỗ ngồi rộng rãi, còn đảo chìm thì chỉ có nhà làm việc hay nhà văn hóa đa năng được xây trên những chiếc cột bê tông giữa bốn bề sóng gió. Màu xanh duy nhất ở đây là vườn rau với đủ loại mướp, rau cải, rau muống, mồng tơi... được lính đảo nâng niu, che chắn cẩn thận, luôn là điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của cánh phóng viên.

Môi trường sống ở các nhà giàn còn khắc nghiệt hơn. Nhìn từ xa, nhà giàn như “pháo đài sắt” mọc lên giữa biển cả mênh mông. Không phải đoàn công tác nào cũng lên được nhà giàn do ảnh hưởng của dòng hải lưu hoạt động ở quanh đó. Ngay cả trong điều kiện trời yên biển lặng thì việc trèo lên chiếc thang sắt chênh vênh, phía dưới là mặt biển sâu thăm thẳm với tiếng sóng đập liên hồi cũng không hề đơn giản. Nếu không chọn đúng thời điểm sóng dềnh mà bước lên, nếu chỉ một thoáng do dự là có thể bị sóng hất xuống biển... Như chuyến đi tháng 4-2023 vừa qua, do biển động nên đoàn công tác không thể lên được Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Tất cả thành viên đành tập trung ở đài chỉ huy tàu trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn qua bộ đàm. Nhìn Nhà giàn Quế Đường hiện rõ trong tầm mắt, cán bộ, chiến sĩ đã mặc áo phao đứng đợi ở khu vực thang dây hay tập trung ở hành lang ngóng tàu mà thương các anh đến thắt lòng. Các ca sĩ vừa hát tặng các anh qua bộ đàm vừa khóc. Cảm xúc trào dâng, lập tức tôi đã sáng tác bài thơ "Ngọt đắng Quế Đường" trên màn hình điện thoại. Bài thơ ngay sau đó được đọc trực tiếp trên bộ đàm để chia sẻ với các cán bộ chiến sĩ nhà giàn. Đây cũng là tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật trên tàu KN-490 và được nhạc sĩ Lê Việt Quân phổ nhạc. Nếu không có các đồng nghiệp ghi lại giây phút này, tôi cũng không nhớ mình đã nói gì, chỉ nhớ cảm giác cố nén nỗi nghẹn ngào đang dâng trào trong lồng ngực...

Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là chuyến đi tặng quà tàu trực làm nhiệm vụ trên biển. Buổi sáng hôm đó, sau khi thăm đảo Đá Thị trở về, chúng tôi nghe thấy ba hồi còi tàu và nhận ra tàu KN-417 đang ở khá gần. Dù đã thấm mệt nhưng lãnh đạo đoàn lập tức chuẩn bị quà, xuồng, tôi cũng xin phép được đi theo. Các anh ở Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trên tàu KN-490 đều khuyên không nên đi, vì sóng lớn, tàu nhỏ nên rất dễ say. Nhưng thấy tôi vẫn quyết tâm, cuối cùng các anh cũng đồng ý.

Khi tiếp cận được tàu KN-417 mới thấy lời các anh khuyên rất... có lý! Con tàu như chiếc lá mỏng trên biển cả mênh mông, vất vả lắm xuồng mới cập được mạn tàu. Các cán bộ, chiến sĩ đứng đợi sẵn, sau mấy nhịp sóng dềnh, phải nhờ hai người kéo tôi mới lên được boong. Gặp ai tôi cũng bắt tay thật chặt bằng cả hai tay, vừa bắt tay xong người này lập tức loạng choạng nắm luôn tay người khác, bởi nếu không sẽ ngã nhào theo từng đợt sóng... Lúc này mới hiểu đúng nghĩa đen của từ “bám trụ”, như đồng chí Nguyễn Văn Trường ở tàu KN-417 kể: "Ngày biển lặng còn thế này, khi biển động anh em ăn cơm cũng khó, mỗi người cầm một bát lớn, sau đó phải bám vào bất cứ thứ gì chắc chắn để không ngã, cơm canh không bị đổ. Làm nhiệm vụ dài ngày lênh đênh trên biển, gặp được tàu quý vô cùng, từ tàu cá của ngư dân đến tàu vận tải, tàu trực, tất cả đều cho cảm giác thương yêu như người một nhà, có gì cũng chia sẻ. Và đây là lần đầu tiên có một nữ nhà báo lên tàu thăm anh em khi đang làm nhiệm vụ dài ngày trên biển". Lời nói của anh khiến tôi thấy mắt mình cay cay... 

Những ngày đến với Trường Sa, cánh nhà báo “bắt sóng” nhau rất nhanh, thân thiết và chia sẻ, hỗ trợ nhau hết mức có thể. Không thể quên những đồng nghiệp đáng yêu như phóng viên Anh Thu của Đài Tiếng nói Việt Nam, người đã xung phong cùng tôi làm bản tin tối đầu tiên trên tàu và giúp mọi người đọc luôn bản tin trong tất cả những ngày còn lại. Hai chị em vừa làm vừa ngả nghiêng bám chặt lấy nhau vì say sóng. Phóng viên Lệ Cẩm của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội lọt thỏm trong chiếc áo phao cứu hộ nhưng quyết tâm nài nỉ anh em tổ xuồng cho lên Nhà giàn Quế Đường. Tôi cũng nhớ phóng viên Thu Hương của Báo Hải quân, người đã 5 lần đến Trường Sa, thân với lính đảo như người nhà, nắm rõ hoàn cảnh của từng người và tích cực chia sẻ để mọi người cùng thăm hỏi, động viên các anh. Chị sẵn sàng giặt là tinh tươm bộ quân phục Hải quân của mình để cánh nhà báo nữ mặc chụp ảnh. Còn những nhà báo nam cũng luôn hỗ trợ đồng nghiệp nữ tối đa, từ việc chụp ảnh, nhường chỗ phỏng vấn thuận tiện, chia sẻ thông tin hay... để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Những ngày tác nghiệp ở Trường Sa ấy, chúng tôi là một gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa - Hành trình giàu cảm xúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.