(HNM) - Trên 80% học sinh, sinh viên trường nghề sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng nghề đào tạo và thu nhập ổn định, song việc tuyển sinh dạy nghề vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Học sinh học nghề nấu ăn tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội).Ảnh: Lê Tuấn |
Hiện nay, trong cơ cấu tuyển sinh có 3 cấp độ là tuyển sinh CĐ nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Về tuyển sinh CĐ nghề, theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), cả nước tuyển được 84.381 người và số lượng tuyển sinh cũng có sự khác nhau giữa các vùng, miền. Đồng bằng sông Hồng có 32.683 người, trung du và miền núi phía Bắc là 4.860 người, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 15.964 người, Đông Nam bộ có 23.083 người và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 6.103 người… So với CĐ thì tuyển sinh trình độ trung cấp nghề khả quan hơn. Trong năm 2012 số lượng tuyển sinh trung cấp nghề đạt 128.831 người, nhưng theo đánh giá của đại diện Tổng cục Dạy nghề, con số trên khá khiêm tốn.
Mặc dù các trường dạy nghề có nhiều nỗ lực cải cách chương trình cũng như hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc thực hành nghề nhưng vẫn không thể thu hút học sinh đăng ký theo học. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế, chính sách nhưng lại có tính bắt buộc doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, hiện các trường đại học, cao đẳng mở ra nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh kéo dài đến hết 30-11 hằng năm nhưng số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm không tăng nhiều.
Theo Tổng cục Dạy nghề, học sinh có nhu cầu học nghề phần lớn là con em gia đình nghèo, hoặc ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số trong khi đó theo quy định đối tượng tốt nghiệp THCS khi vào học trung cấp nghề phải học bổ sung kiến thức văn hóa thêm một năm trước khi học nghề đã gây ra tâm lý "ngại học" đối với không ít học sinh.
Ông Trần Văn Đông - Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện Hà Nội cho biết: Hiện nhà trường có 3 cơ sở đào tạo với 260 cán bộ (210 giáo viên), được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh từ 5.000 - 6.000 học sinh/năm. Tuy nhiên, từ tháng 5-2012 đến nay mới có 1.250 HSSV hai hệ, trong đó CĐ: 1.000; TCN và SCN là 250 em. "Khó khăn sẽ ngày càng chồng chất với các trường dạy nghề nếu không xóa bỏ được kỳ thị bằng cấp. Hơn nữa hiện cơ chế chính sách còn thiếu sự đồng bộ, chế độ tiền lương chậm đổi mới đã tạo ra những rào cản rất lớn đối với các trường nghề". Thầy Trần Văn Đông chia sẻ.
Cụm từ: Trường nghề "lấy ngắn nuôi dài"; trường nghề "đìu hiu"… là bức tranh vốn khá quen và tồn tại từ nhiều năm nay. Trước thực trạng này đã có hàng trăm cuộc hội thảo được tổ chức nhằm đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường nghề. Tuy nhiên, bức tranh dạy nghề dường như vẫn chưa mấy sáng sủa và thị trường lao động vẫn luôn ở thế mất cân đối về cung - cầu. Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam Nguyễn Thị Hằng thẳng thắn cho rằng: Hiện nay chúng ta đang đi ngược mục tiêu, trong khi cần một lượng lao động có tay nghề thì lại thiếu. Nguyên nhân chủ yếu là chính sách tiền lương cho người lao động chưa thỏa đáng. Trong khi các trường cao đẳng, đại học được Nhà nước trợ cấp kinh phí bảo đảm chỗ ăn, ở cho sinh viên, thì các trường dạy nghề chỉ được hỗ trợ một phần rất nhỏ. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hằng, khi kinh tế hội nhập, đào tạo nghề không hội nhập thì mất thế ngay tại thị trường trong nước. Do vậy, cần phải có những hành lang pháp lý đủ mạnh để dạy nghề có "đất" để phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.