(HNM) - Cuối tháng tư, cái nắng như đổ lửa của Nam Bộ cuối mùa khô không khiến cho chúng tôi mệt mỏi dù chuyến đi tìm giá trị của một mô hình giáo dục mang tên Trường học mới (VNEN) khá vất vả.
Học sinh Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đang học nhóm. Ảnh: Hồng Vân |
Những gì đã thu nhận được cho chúng tôi hiểu vì sao VNEN có sức lan tỏa đến vậy, từ 6 tỉnh với 24 trường năm học 2011-2012, năm học này đã có thêm 2.365 trường của 31 tỉnh tự nguyện tham gia áp dụng mô hình, ngoài 1.447 trường thuộc dự án. Bởi đến với mỗi ngôi trường đều thấy ở đó niềm vui của cô và trò cùng niềm tin vững chắc vào mô hình giáo dục đã giải phóng được năng lực của học sinh, phát huy tối đa vai trò dẫn dắt của người thầy và tăng cường sự đóng góp của cộng đồng vào sự nghiệp giáo dục.
Ươm mầm tự học
Sau 5 năm, mô hình VNEN đã đi vào cuộc sống, tạo không khí đổi mới thực sự trong nhà trường. Giáo viên không còn gắn chặt với bảng đen để thuyết giảng mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh. Nhưng thay đổi lớn nhất chính là "nhân vật trung tâm" của lớp học. Nói như ông Đặng Tự Ân, chuyên gia trưởng của dự án "Mô hình trường học mới Việt Nam": Mô hình này đã xác định đúng chủ thể giáo dục.
Trong trường học truyền thống, chủ thể là giáo viên, học sinh chỉ là "khách" thì nay giáo viên - học sinh - cha mẹ học sinh thực sự là chủ thể, trong đó học sinh là nhân vật trung tâm thông qua tự quản, tự học, tự đánh giá.
Vẫn sử dụng chính lớp học hiện có, chỉ tập trung vào đổi mới phương pháp sư phạm, gồm đổi mới cách dạy, cách học và đánh giá học sinh, đổi mới cách tổ chức lớp học, thay đổi cách thu hút sự tham gia của cha mẹ học sinh và cộng đồng vào quá trình giáo dục, mô hình trường học mới đã giúp các đối tượng tham gia quá trình giáo dục có sự "lột xác". Trong giờ học, học sinh được làm việc theo nhóm và chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập bằng những việc làm cụ thể.
Mỗi học sinh sẽ làm việc cá nhân trước khi làm việc theo cặp và theo nhóm, giúp các em có thời gian tự nghiên cứu, tự khám phá kiến thức. Nếu có điều gì không hiểu các em có thể hỏi bạn ngồi cạnh hoặc nêu vấn đề trong nhóm để các thành viên khác cùng trao đổi. Trong các giờ học của VNEN luôn có hoạt động nhóm, ví dụ sau khi học sinh tự đọc một câu chuyện, trưởng nhóm sẽ dẫn dắt các bạn cùng trao đổi về câu chuyện đó, trả lời các câu hỏi trong tài liệu hướng dẫn hoặc phiếu hướng dẫn học tập hoặc một em trong nhóm đưa ra kết quả một bài toán cả nhóm sẽ cùng trao đổi, nhận xét bổ sung về cách giải. Hình thức học tập này giúp học sinh tự tin, tập trung vào việc học và biết cách làm việc theo nhóm.
Ông Đặng Tự Ân cho biết, sử dụng tài liệu hướng dẫn tự học, giáo viên thay đổi phương pháp để học sinh tự học và được hoạt động; học sinh thông qua hoạt động để tự học và thông qua tự học để phát triển. Trong các giờ dạy, giáo viên sẽ theo sát các nhóm. Với nhóm đã giơ "mặt cười", tức là đã tự hoàn thành bài học, cô giáo có thể kiểm tra học sinh còn yếu trong nhóm để đánh giá kết quả. Với nhóm giơ "mặt mếu" tức là cần sự hỗ trợ của giáo viên, cô sẽ dành thời gian nhiều hơn.
Học tập theo hình thức này, dường như thời gian "chết" với từng học sinh được làm "sống" lại bởi những em giỏi sẽ được giao thêm nội dung học tập, em nào còn kém cũng được bạn và cô giáo giúp để hiểu bài và thuộc bài. "Tổ chức lớp học theo mô hình VNEN giáo viên cũng khá vất vả. Tuy nhiên, giáo viên vui vì thấy được sự trưởng thành của học sinh", Phó Hiệu trưởng Huỳnh Thị Hồng Quyên - Trường Tiểu học Vĩnh Phước 2 (TP Nha Trang), một trường tự nguyện tham gia dự án VNEN chia sẻ.
Đằng sau một tên gọi
Chuyến đi thực tế không chỉ giải tỏa những băn khoăn về Chủ tịch hội đồng tự quản, cái tên thay cho vị trí "lớp trưởng", mà còn cho chúng tôi một niềm tin về thế hệ tương lai. Bởi cách tổ chức mô hình lớp học theo VNEN đã đem đến cho học sinh sự năng động, tự tin, tinh thần tập thể. Và quan trọng hơn, rất nhiều học sinh trong cùng một lớp có được sự tiến bộ ấy, điều ở mô hình truyền thống chưa làm được.
Thấy có khách đến thăm lớp, Nguyễn Ngọc Kim, Chủ tịch hội đồng tự quản lớp 5/1 Trường Tiểu học Vĩnh Phương 1 (TP Nha Trang) nhanh nhẹn đứng lên trước lớp và giới thiệu thành viên của Hội đồng tự quản, rồi lần lượt trưởng ban học tập, ban thư viện... tự tin giới thiệu về nhiệm vụ của từng ban trong hoạt động tự quản của lớp. Điều này không chỉ thấy được ở những trường ở nội thành, ngoại ô thành phố mà cả những trường ở miền núi.
Hình ảnh học sinh, nhất là học sinh nông thôn, miền núi, thường sợ sệt, khép nép khi thấy khách lạ, thậm chí còn bỏ chạy đi nơi khác trước kia đã nhường chỗ cho hình ảnh học sinh chủ động và tự tin. Hội đồng tự quản không do giáo viên áp đặt mà do học sinh tự ứng cử, đề cử, tập thể bình bầu, luân phiên theo tháng hoặc theo học kỳ để nhiều học sinh được tham gia hoạt động tập thể, tùy theo năng lực và sở thích. Các em tự xây dựng kế hoạch hoạt động, sinh hoạt nên có thể nói tổ chức này là của học sinh và hoạt động vì học sinh.
Thông qua đó, học sinh có được những trải nghiệm, hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác với bạn bè, thầy cô. Với sự giúp đỡ của giáo viên, học sinh được rèn luyện năng lực tự quản lý, lãnh đạo, điều hành hoạt động, được thêm nhiều kỹ năng sống. Đến trường các em không bị áp đặt một cách cứng nhắc, không phải lo giấu giếm suy nghĩ cá nhân mà ngược lại được nói lên suy nghĩ của mình, nhận xét về bản thân và bạn bè, biết sống tự tin, tự lập, thẳng thắn và chủ động, để "đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường náo nức niềm vui".
Đến Trường THCS Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) nơi đón học sinh của Tiểu học Tân Thông thực hiện mô hình VNEN và học sinh của các trường tiểu học khác trên địa bàn, có thể thấy rõ sự khác nhau giữa hai đối tượng học sinh này. Lớp 6/1, là lớp học sinh đã học theo mô hình VNEN ở tiểu học đang trong giờ tự quản, tự học vì giáo viên đi học. Phó Hiệu trưởng nhà trường Thân Lê Hồng Nhung cho biết, trước kia, mỗi khi có việc các giáo viên phải đổi giờ cho nhau, nhưng với những học sinh đã quen tự quản như lớp 6/1, tiết học đó vẫn đạt được yêu cầu đặt ra. "Học sinh đã học VNEN sáng tạo hơn, tự tin hơn, hòa đồng, năng động và tự chủ so với học sinh mô hình truyền thống", cô Hồng Nhung khẳng định.
Kỳ vọng của một lão nông
Gây ấn tượng nhất trong cả chuyến đi đối với chúng tôi là lão nông Nguyễn Vẽ (xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang) và kỳ vọng của ông đối với đứa cháu ngoại đang là học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Phương 1. Ông được mời dạy nghề trồng lúa nước cho học trò Trường Vĩnh Phương 1 và rất tâm đắc với việc cộng đồng được tham gia vào quá trình giáo dục. Ông tâm sự: "Nếu không có hoạt động giáo dục này, học trò ở chính xã thuần nông không nhận ra được một điều làm ra hạt gạo cực như thế nào. Nhờ ra ruộng học chăm sóc lúa, các cháu nhận thức được giá trị của lao động.
Tôi kỳ vọng, cháu tôi được giáo dục toàn diện hơn và sẽ trở thành con người hoàn thiện hơn". Giờ học với "thầy" Nguyễn Vẽ, các em được người nông dân gắn bó cả đời với nghề nông giới thiệu về nghề trồng lúa nước của địa phương, được học về các bộ phận của cây lúa, quá trình sinh trưởng, các sản phẩm chế biến từ hạt gạo... Những kiến thức này, giáo viên có thể mang đến cho các em nhưng với sự tham gia của cộng đồng, được học từ một lão nông với ngôn từ, cách giảng giải mộc mạc, dân dã của ông và quan trọng hơn tình cảm của ông dành cho cái nghề đã gắn bó cả đời, nó trở thành bài học sống động và ấn tượng thật khó quên.
Với VNEN cha mẹ học sinh và cộng đồng đã trở thành một trong những chủ thể của quá trình giáo dục. Lực lượng này không chỉ đóng góp các nguồn lực bảo đảm hoạt động giáo dục đạt chất lượng mà còn trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ con em học tập. Nhiều nơi có những cách huy động sự tham gia này đầy sáng tạo. Thầy Phạm Văn Anh, tư vấn sư phạm của dự án VNEN tại Khánh Hòa kể câu chuyện một trường ở miền núi. "Đi ngang qua một cánh đồng ngô tốt, biết là của gia đình một học sinh của trường, giáo viên đã xin 2 bắp. Khi nghe thầy giáo nói mục đích xin ngô về để bày ở góc cộng đồng của lớp, vì tò mò hôm sau vị phụ huynh người dân tộc đó đã đến trường để sau đó trở thành người hỗ trợ đắc lực cho nhà trường trong việc xây dựng góc học tập, góc cộng đồng và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường".
Những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm nhận cho chúng tôi niềm tin VNEN là mô hình của đổi mới, phù hợp với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.