Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường học “mọc” lên trên... những hố bom!

Đức Hải| 19/12/2012 07:12

(HNMO)- Trong 12 ngày đêm giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc cuối năm 1972, xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề... Chưa đầy một năm sau, một ngôi trường khang trang đã được xây dựng trên những hố bom mà B-52 Mỹ trút xuống.


“Ghi sâu tội ác giặc Mỹ”

Khoảng 3 giờ 50 phút ngày 22-12-1972 (tức ngày 17 tháng Một năm Nhâm Tý), hơn 70 quả bom (gồm cả bom 500 kg và bom loại 50 kg) từ “pháo đài bay” B-52 đã thả xuống xã Kiến Hưng suốt từ cuối thôn Mậu Lương tới thôn Đa Sỹ, kéo dài 1.800m, rộng 150m. Trong đó, thôn Mậu Lương phải hứng chịu 46 quả bom (38 quả bom phá); thôn Đa Sỹ hứng chịu 17 quả bom (13 quả bom phá); tiếp giáp giữa 2 thôn hứng chịu 9 quả bom (5 quả bom phá). Hậu quả của đợt rải bom đó đã hủy diệt nặng nề xóm Chùa (thôn Mậu Lương), khu vực Đình và xóm Bắc (thôn Đa Sỹ). Chưa đầy 5 phút thả bom nhưng cảnh tượng trên địa bàn Kiến Hưng thật tan hoang, điêu tàn: nhà cửa, cây cối đổ nát, hàng chục người bị chết và bị thương. Trong phút chốc, hàng chục gia đình bị ly tán, vợ mất chồng, con mất cha, mất mẹ...

Ông Lê Văn Chuẩn (75 tuổi) ở thôn Đa Sỹ, nguyên là Xã Đội trưởng xã Kiến Hưng lúc bấy giờ cho biết: Vừa dứt tiếng bom, các cán bộ xã, thôn đã có mặt ngay để tổ chức chỉ đạo và cùng nhân dân đào bới cứu hộ, cứu thương. Mọi người đều không sợ địch đánh phá trở lại, lăn xả vào đào bới, cứu trợ những người bị vùi lấp. Nhờ biết rõ nhà và hầm của nhau nên việc cứu hộ rất có hiệu quả. Lực lượng trong xã, tiếp đó là đội cấp cứu tải thương của xã Hà Cầu, lãnh đạo Thị ủy, Ủy ban hành chính thị xã, các đội dân phòng của 7 khối nội thị và các xã ngoại thị, lực lượng y tế (Phòng y tế thị xã, Bệnh viện tỉnh, Bệnh Viện quân y 103)... đã xuống hỗ trợ kịp thời. Chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ đào bới đã cứu được 31 người (chưa kể những trường hợp bị thương nhẹ, sơ cứu tại chỗ an toàn). Có hầm kèo ngay tại miệng hố bom. Có gia đình 7 người bị vùi lấp.

Vết tích chiến tranh được ghi lại bằng bức phù điêu “Ghi sâu tội ác giặc Mỹ”. Nội dung được ghi trên bia: “Hồi 3 giờ 45 phút đêm ngày 22-12-2012, máy bay B52 Mỹ bay ập đến rải 76 quả bom tàn sát, phá hoại thôn Mậu Lương, thôn Đa Sỹ xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông. Trong 5 phút, giặc Mỹ đã thảm sát 54 người già, phụ nữ, trẻ em, làm bị thương 24 người, 196 nhà sập đổ, hàng trăm tấn lương thực, đồ dùng bị phá hủy. Nhân dân xã Kiến Hưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền đã chiến đấu kiên cường đánh trả máy bay địch, cứu chữa nạn nhân, giải quyết hậu quả, mau chóng phục hồi đời sống. Giặc Mỹ xâm lược đã bị dân tộc Việt Nam anh hùng trừng trị phải cút khỏi nước ta. Dựng bia khắc sâu hình tượng hận thù này để mãi mãi mai sau mọi người tưởng niệm người đã khuất, quyết tâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Bức phù điêu "Ghi sâu tội ác giặc Mỹ" trên địa bàn phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) được dựng xong ngày 22-12-1981 và được tôn tạo lại năm 2008


Chia sẻ với những mất mát của Kiến Hưng, nhiều đơn vị đã trực tiếp xuống giúp các gia đình làm lại nhà cửa. Nhờ đó, nhân dân trong xã sớm ổn định sản xuất, đời sống và đón xuân Quý Sửu (năm 1973). Ngày mùng 2 Tết Quý Sửu (ngày 4-2-1973), Đảng ủy, chính quyền xã Kiến Hưng lần đầu tiên tổ chức mừng thọ các cụ cao tuổi ở địa phương...

Chưa đầy một năm sau ngày B-52 Mỹ rải bom trên địa bàn phường Kiến Hưng, một ngôi trường với 12 phòng học đã được xây dựng trên hố bom


Bị thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, nhất là 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, Hải Phòng (được coi là Điện Biên phủ trên không), Níchxơn phải cay đắng tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và ngày 27-1-1973, buộc phải ký Hiệp định Pari rút hết quân Mỹ về nước. Đảng bộ và nhân dân xã Kiến Hưng phấn khởi cùng với nhân dân cả nước đẩy mạnh sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn-miền Nam “đánh cho ngụy nhào”, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.

“Thay da, đổi thịt” từng ngày
Theo ông Chuẩn, phải đến năm 1975 mới san lấp hết được hố bom trên địa bàn xã. Thế nhưng, đầu năm 1973, Ủy ban hành chính xã Kiến Hưng lúc bấy giờ đã tổ chức lực lượng san lấp hố bom ở trung tâm giữa 2 thôn, đồng thời huy động nguồn vốn để xây dựng 12 phòng học. Cuối năm 1973, chưa đầy một năm sau ngày Mỹ ném bom, một ngôi trường khang trang đã được khánh thành. Vậy là ở nơi bị đánh phá nặng nề nhất, được coi là “túi bom” trên địa bàn xã Kiến Hưng đã “mọc” lên một ngôi trường giải quyết cơ bản nạn thiếu lớp học cho trường cấp I, cấp II thời điểm đó.

Trường tiểu học Kiến Hưng- trường chuẩn quốc gia hiện nay được xây dựng lại trên nền ngôi trường cũ  (năm 1973) "mọc" lên trên hố bom


40 năm qua, cùng với cả nước, với Thủ đô Hà Nội, kinh tế, xã hội của Kiến Hưng đã có những bước phát triển vượt bậc. Là một trong những phường “trẻ” của quận Hà Đông, vài năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở Kiến Hưng diễn ra nhanh chóng, diện mạo thay đổi rõ rệt theo hướng văn minh, hiện đại: nhiều nhà cao tầng được xây dựng; đường sá khang trang, sạch đẹp... Đời sống của nhân dân ổn định, ngành nghề sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển. Ông Đỗ Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng cho biết: Hiện nay, phường Kiến Hưng có hơn 15.580 khẩu ở 16 tổ dân phố. Trên địa bàn phường hiện có trên 900 hộ làm nghề rèn, 372 hộ kinh doanh dịch vụ và trên 200 hộ làm nghề thủ công khác; mức thu nhập bình quân 800.000 đồng/người/tháng. Hiện trên địa bàn phường còn 30 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo, không còn hộ đói. Đến nay, cả 3 trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) của phường Kiến Hưng đều đã đạt trường chuẩn quốc gia.

Trường THCS Kiến Hưng- trường chuẩn quốc gia, đối diện với trường tiểu học Kiến Hưng và bức phù điêu "Ghi sâu tội ác giặc Mỹ"


Một trong những hố bom mà B-52 Mỹ rải trên địa bàn phường Kiến Hưng năm xưa, nay đã “mọc” lên trường tiểu học Kiến Hưng- nơi hàng ngày các em nhỏ được thầy, cô giáo truyền dạy kiến thức để làm người, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Ngay bên cạnh trường tiểu học Kiến Hưng là bức phù điêu “Ghi sâu tội ác giặc Mỹ” được dựng xong ngày 22-12-1981 và tôn tạo lại năm 2008. Tấm phù điêu là minh chứng về một thời khói lửa đã qua, nhắc nhở mọi người cần biết trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do ngày hôm nay. “Dựng bia khắc sâu hình tượng hận thù này để mãi mãi mai sau mọi người tưởng niệm người đã khuất, quyết tâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”- nội dung bia ghi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường học “mọc” lên trên... những hố bom!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.