Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Trưởng bản" về xuôi!

Minh Quang| 10/10/2010 07:27

(HNM) - Chỉ trong một tháng, Đào Hoàng Long và các môn sinh môn phái Nhất Nam đã hai lần khăn gói từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) xuống Hà Nội tham dự các chương trình võ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đối với vị võ sư miền sơn cước này khi được đồng môn ở Hà Nội gọi vui là

Bài Hổ trảo quyền của Nhất Nam Nghĩa Lộ biểu diễn tại chương trình "Hào khí Thăng Long".


Cách đây gần 30 năm, khi đang theo học tại Cao đẳng Sư phạm nhạc họa trung ương, chàng sinh viên Đào Hoàng Long đã mê mẩn những đường quyền ngọn cước cùng thân pháp vừa biến hóa vừa uyển chuyển của Nhất Nam, môn võ do chính người Việt sáng chế từ bao đời, do thầy giáo Ngô Xuân Bính - lúc đó đang là giảng viên của trường, đứng lớp. Suốt 3 năm theo học thầy Bính, Đào Hoàng Long hầu như không bỏ buổi nào, thậm chí thầy đi dạy ở đâu cũng tranh thủ đi theo học lỏm. Từ lúc đấy, đối với anh, thầy Ngô Xuân Bính cũng như môn phái Nhất Nam đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Kết thúc khóa học, trở về Nghĩa Lộ (Yên Bái), mang theo lời dạy của thầy Ngô Xuân Bính rằng phải cố gắng phát triển môn phái để giữ gìn một thứ tài sản của ông cha ta.

Năm 1987 Nghĩa Lộ vẫn nghèo khó nhưng lúc ấy, những lò võ liên tục mọc lên. Trong đó có lò võ Nhất Nam của Đào Hoàng Long, dần dần phong trào tập võ Nhất Nam lan rộng Nghĩa Lộ để rồi cách đây hai năm, môn võ cổ truyền này đã được đưa vào chương trình học ngoại khóa trong các trường trong huyện. Môn sinh Nhất Nam cũng lên tới cả vạn người.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, màn trình diễn võ thuật tập thể của 1.000 võ sinh Nhất Nam trong chương trình "Dấu ấn ngàn năm" do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức đã thu hút sự chú ý của làng võ Hà Nội cũng như giới truyền thông. Trong hơn 1.000 võ sinh Nhất Nam ấy có sự đóng góp của hơn 200 võ sinh Nhất Nam Nghĩa Lộ. Đấy là chuyến biểu diễn ở tỉnh ngoài quy mô nhất của CLB Nhất Nam Nghĩa Lộ. Do đối tượng là học sinh nên khâu tuyển chọn rất khắt khe. Trước ngày lên Hà Nội, riêng Đào Hoàng Long có một buổi giải đáp thắc mắc trước các phụ huynh. Cũng phải trình bày ngọn ngành với đầy đủ phương án, Đào Hoàng Long mới được sự chấp nhận của các phụ huynh. Thế là trong hành trình đi về gần 600km, trưởng đoàn Đào Hoàng Long phải điểm danh không dưới 20 lần, mỗi lần 200 cháu. Trong đoàn về Hà Nội có tới 70% là con em dân tộc. Người ở đây quen với việc con đi qua đêm nhưng đi hai ba đêm là bắt đầu đi tìm. Nếu ai đó gọi điện hỏi về con cái họ chắc các thầy chỉ có nước tá hỏa đi tìm. Đến trưa, không nhận được cú điện thoại nào của phụ huynh nên các thầy trong đoàn mới dám ngồi với nhau uống chén rượu mừng. Mừng cũng phải vì học sinh an toàn, vì những tiết mục biểu diễn dưới Hà Nội như "Hổ trảo quyền", mô phỏng mô hình "Trống đồng dựng nước" của đoàn đã gây ấn tượng mạnh với người xem.

Lần biểu diễn thứ hai của đoàn dưới Hà Nội là tại Hội diễn võ thuật cổ truyền "Hào khí Thăng Long" trong dịp Đại lễ. Lần này, đoàn chỉ có 10 người, cứ việc đi xe khách xuống Hà Nội. Sau màn biểu diễn ở vòng ngoài, thầy trò CLB lại được biểu diễn ở ngày bế mạc bài "Hổ trảo quyền". Thế là chi phí ăn ở phát sinh nhưng thầy trò đều mãn nguyện vì có dịp phô diễn những nét tinh túy của võ Nhất Nam với người Hà Nội cũng như các địa phương khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Trưởng bản" về xuôi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.