Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước tháng ăn chay Ramadan: Dự cảm không yên bình

Trung Hiếu| 14/07/2011 07:19

(HNM) - Tháng Ramadan - tháng 8 tới (tháng 9 theo lịch của người Hồi giáo) - là tháng ăn chay và cầu nguyện của người Hồi giáo đang đến gần. Tuy nhiên, với Libya, quốc gia với 97% người dân theo đạo Hồi, đang chuẩn bị bước vào tháng Ramadan với những dự cảm không yên bình.

Ngày 12-7, phe nổi dậy ở Libya loan tin đang chuẩn bị cho một trận quyết chiến nhằm vào thành phố lớn gần Thủ đô Tripoli. Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố sẽ duy trì chiến dịch không kích Libya, kể cả trong tháng Ramadan nhằm vào lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Lực lượng nổi dậy Libya đang mở các cuộc tấn công vào cửa ngõ thủ đô Tripoli.

5 tháng đã qua, kể từ khi NATO mở chiến dịch không kích quốc gia Bắc Phi này nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống M.Gaddafi, hàng chục tấn bom, đạn đã được trút xuống và "cơn mưa" sắt thép từ phương Tây vẫn chưa có dấu hiệu ngưng nghỉ. Tháng Ramadan, với ý nghĩa nhịn ăn để có sự thông cảm với những người nghèo đói; luyện cho con người sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, người dân Libya hy vọng khói súng, âm thanh của bom đạn sẽ lắng dịu. Nhưng, theo giới quan sát, thật khó hy vọng phương Tây ngưng không kích khi nhà lãnh đạo Libya M.Gaddafi vẫn tồn tại như một thách thức.

Sau 5 tháng rơi vào thế giằng co và bế tắc, phe nổi dậy ở Libya được sự tiếp sức về quân sự, lẫn đạn pháo dọn đường của NATO, giờ đây đã bắt đầu đạt được những bước tiến dù chậm trên chiến trường ở Jebel Nafusa, khu vực rặng núi phía tây Libya. Đích đến giờ đây của phe nổi dậy là Garyan, một thành phố được bảo vệ chắc chắn. Nếu chiếm được Garyan, phe nổi dậy đã tiến sát được tới thành trì của quân chính phủ ở Thủ đô Tripoli; đồng thời có được trong tay con đường phía nam thẳng tới thủ đô. Đây là bàn đạp quan trọng để phe nổi dậy tấn công vào thành trì của ông M.Gaddafi. Trong khi đó, Pháp - nước tiên phong trong chiến dịch không kích Libya của phương Tây, đã có được sự ủng hộ từ cơ quan lập pháp nước này. Ngày 12-7, với tỉ lệ gần 500 phiếu thuận, 27 phiếu chống, Hạ viện Pháp đã cho phép Điện Elysee tiếp tục chiến dịch can thiệp quân sự tại Libya. Ngay sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, với tỉ lệ 311 phiếu thuận, 24 phiếu chống, Thượng viện Pháp cũng đã gật đầu.

Rõ ràng, dự cảm không yên bình của người dân Libya trong tháng Ramadan là có cơ sở khi phương Tây cũng nóng lòng muốn chấm dứt một chiến dịch đầy tốn kém đang lâm vào bế tắc. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy ở Libya sau khi nhận được hỗ trợ từ bên ngoài cũng muốn tung cú đòn quyết định mà NATO mong muốn. Điều này lý giải cho tuyên bố của phát ngôn viên quân sự NATO, Trung tá không quân Mike Bracken: "không loại trừ tấn công trong tháng Ramadan của người Hồi giáo".

Không phải chính quyền Libya không muốn tìm kiếm giải pháp qua đối thoại cho cuộc xung đột hiện nay. Thủ tướng Libya, Al-Mahmudi, trả lời phỏng vấn trên báo Le Figaro (Pháp) ra ngày 12-7, khẳng định Libya "sẵn sàng đàm phán vô điều kiện", nhưng vị lãnh đạo này cũng thêm rằng, tạm ngừng chiến dịch ném bom của NATO phải là điều kiện tiên quyết cho bất cứ cuộc đối thoại nào; không thể đàm phán khi những quả bom vẫn dội xuống. Thế nhưng, xem ra điều này là khó khả thi khi NATO khăng khăng mục tiêu lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi và không chấp nhận điều kiện tiên quyết nào.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày mai (15-7), tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya (ICGL) gồm những nước tham gia chiến dịch không kích nhằm lật đổ Tổng thống M.Gaddafi trong NATO, các nước trong khu vực và dự kiến có cả Nga, Trung Quốc sẽ bước vào một cuộc thảo luận lần đầu tiên về cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tìm được một lối thoát cho cuộc xung đột tại Libya thật không đơn giản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước tháng ăn chay Ramadan: Dự cảm không yên bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.