(HNM) - Quan hệ Mỹ - Pakistan vốn đang
Ông C.Munter khẳng định trên Đài Phát thanh Pakistan (17-9) rằng, có bằng chứng cho thấy thủ phạm vụ tấn công bằng rocket mới đây nhằm vào Sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul có liên hệ với chính quyền Pakistan.
Mỹ vẫn cần sự giúp đỡ của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố cho dù quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực này đang lâm vào khó khăn.
Từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, lực lượng an ninh Mỹ và Pakistan đã phối hợp truy kích các phần tử Al Qaeda tại Pakistan cũng như một số nhóm khủng bố khác dọc biên giới Afghanistan. Tuy nhiên, gần đây mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan đã "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" sau những "biến cố" như: đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden hồi tháng 5; Pakistan cáo buộc Mỹ vu khống Islamabad trong vụ bắt giữ Syed Ghulam Nabi Fai, Giám đốc điều hành Hội đồng Kashmir - Mỹ vì tội hoạt động gián điệp cho Pakistan tại Washington vào tháng 7 và ngay sau đó, Mỹ đình chỉ khoản tài trợ quân sự 800 triệu USD cho quân đội Pakistan... Vì thế, tuyên bố của Đại sứ Mỹ C. Munter đã như "đổ thêm dầu vào lửa".
Haqqani là mạng lưới liên hệ với cả Taliban và Al Qaeda có hàng nghìn chiến binh và đặt căn cứ tại khu vực các bộ lạc vùng hẻo lánh trên biên giới Afghanistan - Pakistan. Mặc dù nghi ngờ về mối quan hệ này từ lâu, nhưng hiếm khi các quan chức Mỹ lại có tuyên bố công khai và trực tiếp như trong mấy ngày qua. Phát biểu của vị Đại sứ Mỹ tại Pakistan cho thấy, Mỹ dường như đã nản lòng khi không nhận thấy một hành động đủ tích cực của Pakistan trong cuộc chiến chống lại Haqqani. Rõ ràng, Chính phủ Pakistan có không ít chuyện khiến Mỹ không thể không nghi ngờ. Vì thế, sau tuyên bố của Đại sứ Mỹ C.Munter, Đô đốc Mike Mullen - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - trong cuộc trao đổi với Tổng chỉ huy các lực lượng quân đội Pakistan, Tướng Ashfaq Parvez Kayani, đã hối thúc Islamabad phải chấm dứt các mối quan hệ với tổ chức khủng bố Haqqani. Sau khẳng định của người đứng đầu Đại sứ quán Mỹ tại Pakistan về mối liên hệ chết người của giới an ninh Pakistan với Haqqani, Đô đốc M. Mullen đã nhấn mạnh sự cần thiết phải làm tan rã mạng lưới Haqqani trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ trong tuần này; đồng thời yêu cầu Cơ quan An ninh Pakistan (ISI) cắt đứt mọi liên hệ với Haqqani và chấm dứt "xuất khẩu" bạo lực sang quốc gia láng giềng Afghanistan.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, thông điệp cứng rắn của Mỹ về Haqqani trong các cuộc gặp cấp cao Mỹ - Pakistan trong tuần cũng như các phát biểu công khai mấy ngày qua cho thấy Washington có quan điểm rằng, sự thuyết phục và viện trợ quân sự trong năm qua nhằm thay đổi cách ứng xử của Islamabad trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đang theo đuổi tại Nam Á đã không mang lại hiệu quả. Vì thế, Nhà Trắng và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tỏ ra cương quyết hơn trong thay đổi cách tiếp cận với Pakistan.
Tuy nhiên, dẫu quan hệ giữa hai đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống Al Qaeda đang đứng trước "đầu sóng ngọn gió" nhưng Mỹ vẫn không thể không xem Pakistan là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống Al Qaeda và Taliban đang ẩn náu tại các khu vực bộ tộc của Pakistan trên biên giới Afghanistan. Hiện tại, có hai kẻ thù hàng đầu của Mỹ được cho là đang tá túc ở Pakistan. Đó là thủ lĩnh Taliban và nhân vật số hai của tổ chức Al Qaeda. Nếu Mỹ mất đồng minh Pakistan thì cuộc chiến chống khủng bố nói chung cũng như cuộc truy lùng hai nhân vật này và cuộc chiến ở Afghanistan sẽ gặp khó khăn thực sự. Ngược lại, Pakistan vẫn cần viện trợ kinh tế và quan tâm an ninh từ Mỹ. Vì thế, cả người Mỹ lẫn người Pakistan đều không muốn quan hệ căng thẳng hiện nay giữa hai bên lâm vào "khủng hoảng". Nhưng, để mối quan hệ ấm nồng trở lại còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực không chỉ từ một phía.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.