Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung thực nửa vời

Vũ Duy Thông| 21/11/2011 06:38

(HNM) - Tại cuộc họp báo chiều 19-11, Bộ Công thương đã công bố, năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lỗ 10.162 tỷ đồng (lỗ lũy kế đến tháng 6-2011 là 31.565 tỷ đồng).


Lý do lỗ đều thuộc loại "khách quan, bất khả kháng" như: nước các hồ thủy điện ít nên EVN phải huy động chạy dầu và mua điện ngoài, giá cao gấp 3-4 lần giá quy định trong nội bộ; một số công trình nhiệt điện chậm tiến độ; đồng tiền Việt Nam mất giá; giá nguyên, nhiên liệu cao… Con số lỗ này là kết quả làm việc của tổ công tác liên bộ Công thương - Tài chính hai tháng vừa qua trên cơ sở các số liệu tài chính và hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị ngoài Tập đoàn. Các số liệu và chứng từ này do EVN cung cấp. Số lỗ này cũng chỉ tính riêng mảng kinh doanh điện, chưa kể các khoản lỗ khác như lỗ do chênh lệch giá (15.463 tỷ đồng), lỗ cổ phần, lỗ do tiếp nhận lưới điện nông thôn…).

Nội dung cuộc họp báo này lập tức được dư luận coi như sự phụ họa cho tiếng nói hiện nay và cả những tiếng nói cách đây không lâu yêu cầu cho phép tăng giá điện ngay của EVN và Bộ Công thương. Theo đó, để thoát khỏi tình trạng thua lỗ, tăng giá điện là một nhu cầu khách quan, thậm chí là biện pháp mấu chốt. Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, tăng giá điện trong năm 2011 không phải là biện pháp tốt nhất hoặc nếu đặt vấn đề tăng giá điện thì trước hết cần minh bạch nguyên nhân các khoản lỗ, nhất là lỗ từ giá thành sản xuất, kinh doanh và lỗ do các khoản đầu tư ngoài ngành dàn trải, không hiệu quả. Ngoài những nguyên nhân khách quan, phải tính đến những nguyên nhân chủ quan là liệu có hay không tình trạng thất thoát, lãng phí trong ngành điện còn lớn, trình độ quản lý yếu kém; bộ máy tổ chức cồng kềnh, kém hiệu quả; lương thưởng quá cao so với kết quả đạt được; đầu tư ngoài ngành phân tán vốn, không đạt yêu cầu mong muốn... Những nguyên nhân thua lỗ do chủ quan này cần được làm rõ, quy trách nhiệm, là nội dung chính trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện nay trước khi đặt vấn đề tăng giá điện hay không, tránh tình trạng đưa hết các khoản lỗ (khoảng 300 đồng/kW) vào giá thành, bắt người dân phải chịu theo cách tiền của dân, tiêu pha tùy ý, lãi được hưởng, lỗ Nhà nước (tức người dân) phải gánh.

Để chứng minh cho lập luận của mình, những người ủng hộ đề nghị chưa thể tăng giá điện nếu chưa làm rõ cơ cấu giá thành, hiệu quả đầu tư và các chi tiêu khác của ngành điện trong giá điện thương phẩm đã nêu dẫn chứng và đề nghị EVN trả lời một số câu hỏi:
Có hay không việc móc ngoặc, thiếu trách nhiệm, cục bộ, cửa quyền và trình độ quy hoạch, quản lý non kém gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh điện và những lãng phí, thất thoát đang được hạch toán vào giá điện thương phẩm?

Có hay không trong khi thiếu vốn vẫn đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngoài ngành như chứng khoán, ngân hàng, viễn thông… (bằng 9% tổng vốn đầu tư ngoài ngành của 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng đầu) với hiệu quả đầu tư rất thấp, do vậy vốn phải điều chuyển chiếm đến 25% tổng vốn phải điều chuyển của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã công bố?

Có hay không việc so sánh giá điện trong khu vực và thế giới với giá điện của nước ta (trong khi không đặt giá điện trong tỷ lệ GDP bình quân) là cách tính toán để che lấp một thực tế là giá điện nước ta đang rất cao so với thu nhập của người dân.

Nếu các khoản lỗ hiện nay hầu như đều do khách quan thì khi những điều kiện khách quan đó thay đổi theo chiều hướng có lợi, giá điện thương phẩm có xuống không?

Trả lời minh bạch được những câu hỏi đó là sự trung thực đến cùng, trách nhiệm đến cùng, rất khác với sự trung thực nửa vời. Thành ngữ có câu: Sự trung thực nửa vời là chỉ thừa nhận một nửa sự thật, mà một nửa sự thật không là sự thật!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung thực nửa vời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.