Xe++

Trung Quốc vươn đỉnh thị trường xuất khẩu ô tô thế giới

Nguyễn Hưng 28/02/2024 - 08:33

Mới đây, hãng xe điện Trung Quốc BYD hé lộ siêu xe gần 1.300 mã lực như một minh chứng hùng hồn sức mạnh của ngành công nghiệp chế tạo xe hơi điện - EV của nước này.

Trên thực tế, Trung Quốc đang vươn đỉnh thế giới, có thể vượt Nhật Bản để đứng vị trí số 1 trong xuất khẩu xe ô tô, trong đó có EV, trên thế giới.

Siêu xe công suất 1.300 mã lực

BYD là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vừa trình làng EV Yangwang U9 công suất gần 1.300 mã lực và được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với Lamborghini và Ferrari.

Yangwang U9 có 4 động cơ điện và với hệ dẫn động 4 bánh, có thể đạt tốc độ gần 100km/h chỉ trong 2,3 giây. Nó có giá 1,68 triệu nhân dân tệ, khoảng 230.000 USD. Mức giá đó tương đương với những siêu xe tầm trung, chẳng hạn như mẫu cơ sở Lamborghini Huracán chạy bằng xăng công suất 631 mã lực.

mot-chiec-xe-dien-yangwang-u9-cua-byd-co.-o-tham-quyen-trung-quoc-vao-ngay-16-thang-1-nam-2024.-anh-bloomberg.jpg
Yangwang U9.

BYD được biết đến nhiều nhất với những mẫu xe hơi và SUV bình dân như chiếc SUV Dolphin có giá tương đương khoảng 38.000 USD (ở châu Âu) hoặc chiếc sedan Seal khoảng 57.000 USD. Công ty này đã gây lo ngại cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu vì khả năng sản xuất xe điện với giá thấp hơn so với các đối thủ Mỹ và châu Âu, vốn đang nỗ lực giảm chi phí.

Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, đã nói rằng các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD có thể “phá hủy” các nhà sản xuất ô tô khác khi chuyển đổi sang xe điện.

Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của hãng sản xuất xe Jeep và Fiat Stellantis trong một cuộc gặp gần đây với các nhà báo ở New York cũng cho rằng các hãng xe Trung Quốc là "mối đe dọa" lớn hiện nay với họ khi có thể bán xe điện với giá của xe động cơ đốt trong.

Yangwang U9 cho thấy khả năng mở rộng thị trường của BYD, không chỉ ở dòng xe sedan và SUV gia đình, mà còn ở phân khúc siêu xe giá cao, số lượng ít, nơi các thương hiệu như Lamborghini của Tập đoàn Volkswagen đã đạt được doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong những năm gần đây.

Bên cạnh tốc độ, Yangwang U9 còn có hệ thống kiểm soát thân xe tinh vi có thể nâng xe lên 3 inch ở bất kỳ bánh nào. Cũng như những siêu xe giá cao khác, thân xe được làm từ sợi carbon và nhôm siêu nhẹ. Tốc độ tối đa của nó là 192 dặm (310 km) một giờ, theo BYD.

Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA) cho biết vào tháng trước: “Một điều chắc chắn là Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn ô tô nhất thế giới”.

Tuy nhiên, dữ liệu hải quan Nhật Bản cho thấy nước này đã xuất khẩu 5,97 triệu xe vào năm 2023, nhiều hơn mức xuất khẩu 5,22 triệu xe mà dữ liệu hải quan Trung Quốc báo cáo. Nhưng theo dữ liệu hiệp hội sản xuất từ cả hai nước, năm 2023, Trung Quốc xuất khẩu 4,14 triệu ô tô so với 3,978 triệu của Nhật Bản.

Các số liệu chưa thống nhất, nhưng có một xu hướng rõ ràng: Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với các quốc gia xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới trong 2 năm qua; đã vượt qua Hàn Quốc vào năm 2021 và Đức vào năm 2022.

byd_27.jpeg
Dây chuyền sản xuất ô tô tại Trung Quốc.

Trung Quốc vươn đỉnh

Năm 2023 có thể coi là một năm của xe điện Trung Quốc, vốn rẻ hơn so với các mẫu xe do đối thủ ở nơi khác sản xuất. Họ đã xâm nhập vào châu Âu, Australia và Đông Nam Á. Các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 1,2 triệu ô tô điện, tăng 77% so với năm 2022, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Trong đó, xe điện chiếm khoảng 40% và đang có xu hướng tăng nhanh. Đây thực sự là "ác mộng" với ngành sản xuất xe điện toàn cầu.

BYD, nhà sản xuất có trụ sở tại Thâm Quyến, đã vượt qua Tesla (TSLA) để trở thành nhà bán xe điện hàng đầu thế giới vào cuối năm ngoái. BYD đã cung cấp nhiều ô tô chạy hoàn toàn bằng điện hơn Tesla lần đầu tiên trong khoảng thời gian 3 tháng tính đến ngày 31-12. BYD có kế hoạch mở rộng chuỗi cung ứng của mình ở châu Âu, thông báo vào tháng 1 rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy xe điện ở Hungary.

Lo ngại về “cơn lũ xe điện Trung Quốc” khiến nhiều thị trường tìm cách đối phó. Vào tháng 10-2023, Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc. Chính quyền Mỹ đã công bố các quy định mới vào tháng 12-2023 nhằm mục đích loại bỏ pin Trung Quốc khỏi ô tô bán trong nước. Nhà Trắng cũng đang thảo luận về việc tăng thuế đối với một số hàng hóa của Trung Quốc, bao gồm cả xe điện.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực ngăn cản, ngành sản xuất và buôn bán xe hơi của Trung Quốc vẫn phát triển. Đầu tiên là họ đánh chiếm thị trường trong nước với mục tiêu đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm 75% thị phần ô tô trong nước. Song song đó, họ mở rộng thị trường Trung Mỹ, Australia, Đông Nam Á và đặc biệt là Nga, nơi nhiều hãng xe rút lui kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2-2022.

Sarah Tan, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết: “Trong 11 tháng năm 2023, các lô hàng ô tô của Trung Quốc đến Nga đã tăng khoảng 6 lần so với năm 2022 về mặt giá trị”.

Mexico (Trung Mỹ) là điểm đến lớn thứ hai của ô tô Trung Quốc sau Nga. Jorge Guajardo, đối tác của Dentons Global Advisors có trụ sở tại Washington và là cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc cho biết, ô tô do Trung Quốc sản xuất đã nhanh chóng tăng thị phần trên thị trường ô tô Mexico.

chery-omoda-5-hero-16x9-1.jpg
Kiểu dáng bắt mắt, bắt xu hướng nhanh, nhiều tiện nghi... là thế mạnh của ô tô Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã có cam kết hỗ trợ các hãng sản xuất xe ô tô của họ trong mục tiêu toàn cầu hóa, như việc phản ứng tích cực về các hạn chế ngoại thương, theo dõi kịp thời các chính sách và quy định liên quan đến tiếp cận thị trường, bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, như một số chuyên gia nhận định, ô tô Trung Quốc, đặc biệt là xe điện, chiếm lĩnh thị trường có nguyên nhân là do đạt chất lượng cao với giá cả hợp lý. Ngăn chặn sản phẩm tốt hơn, giá cả hợp lý hơn quả là khó. Do vậy, “cơn lũ xe ô tô Trung Quốc” tiếp tục tạo sóng và lập đỉnh mới?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc vươn đỉnh thị trường xuất khẩu ô tô thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.