(HNM) - Thị trường tài chính toàn cầu vừa trải qua một tuần đầy biến động khi Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) ba ngày liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) xuống gần 5% so với USD.
Dẫu sau đó PBoC đã điều chỉnh tăng lên 0,05% - được cho như một "phép thử" với thị trường tài chính thế giới - nhưng động thái bất ngờ từ Bắc Kinh đã đủ tạo cú sốc trên thị trường toàn cầu. Giá cổ phiếu cũng như đồng nội tệ của nhiều quốc gia ngay lập tức bị "lao dốc" liên tục và giá vàng cũng chao đảo. Sự kiện đồng NDT phá giá với nhiều toan tính chiến lược không chỉ tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu mà còn làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ có thể xảy ra.
Trung Quốc phá giá đồng NDT đã gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu. |
Với ba lần hạ giá liên tiếp, đồng NDT đã tụt xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong gần ba năm lại đây và đây cũng là lần giảm giá mạnh nhất trong hơn 20 năm qua kể từ tháng 1-1994 khi Trung Quốc bất ngờ giảm 1/3 giá trị đồng nội tệ. Quyết định phá giá đồng tiền xuất phát từ việc tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại, thị trường chứng khoán lao dốc, xuất khẩu hàng hóa giảm 8,3% do nhu cầu giảm từ 3 đối tác chính là Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU); tăng trưởng GDP năm 2015 dự đoán ở mức dưới 7% - thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Trong bối cảnh như vậy, phá giá đồng NDT được ví như liều "kháng sinh mạnh" nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trụ vững. Đồng NDT phá giá sẽ khiến hàng hóa "made in China" khắp thế giới rẻ hơn và nền kinh tế lớn nhất Châu Á sẽ lấy lại được đà tăng trưởng nhờ lợi thế xuất khẩu.
Trong quá khứ nhiều quốc gia đã sử dụng biện pháp làm yếu đồng nội tệ để kích thích tăng trưởng. Thời điểm khủng hoảng năm 2008, Mỹ cũng đã có động thái làm yếu đồng USD và gần đây là Nhật Bản cũng hành động tương tự với đồng Yen. Không phải tự nhiên Trung Quốc phá giá đồng NDT, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD phục hồi sau gần hai năm trở lại đây. Quyết định phá giá đồng NDT là bước đi toan tính của Trung Quốc khi lấy thị trường xuất khẩu làm "bàn đạp" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Không như USD, Euro và Yen, đồng NDT ít được ưa chuộng ở nước ngoài. Nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đã "giấu" đồng bản tệ khỏi thị trường quốc tế và áp dụng những biện pháp hạn chế mua bán. Điều này tạo nên một tấm lá chắn bảo vệ Trung Quốc trước dòng chảy vốn thất thường, giúp hàng hóa của Trung Quốc có giá rẻ. Trung Quốc đã dần dần nới lỏng các giới hạn với NDT nhưng vẫn còn một quãng đường rất dài phía trước khi nước này chiếm hơn 10% thương mại toàn cầu, nhưng chỉ có khoảng 2% hoạt động thanh toán quốc tế lấy NDT làm đồng tiền thanh toán. Giờ đây Trung Quốc đã có lý do để nới lỏng kiểm soát NDT nhằm thúc đẩy tăng trưởng và vươn tới những tham vọng chính trị lớn hơn. Vì thế, đồng NDT tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế thể hiện tham vọng của Trung Quốc trước đồng USD cũng như trật tự kinh tế thế giới đang được "thống trị" bởi Mỹ và Châu Âu. Một đồng bản tệ được sử dụng rộng rãi hơn sẽ gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc; đồng thời đem đến cho cả người dân và các công ty nước này nhiều lựa chọn hơn với tiền tiết kiệm của họ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo cuộc "tháo chạy" của NDT trong tuần qua như một "con dao hai lưỡi" và Trung Quốc cần thận trọng để giảm các tác dụng phụ. Trước mắt thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ đứng trước áp lực lớn, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng cao, bất cứ lúc nào cũng có thể dẫn tới làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc. Nếu dòng vốn tiếp tục chảy mạnh khỏi Trung Quốc, "cái được" của cú phá giá có thể sẽ không đủ bù "cái mất". Đó là chưa kể việc các nhà máy Trung Quốc thuê hàng triệu nhân công và sự giảm mạnh của đồng nội tệ sẽ dẫn đến tình trạng mất việc hàng loạt. Ngoài ra, việc Bắc Kinh dùng "vũ khí" đồng NDT để tự cứu mình còn có thể ảnh hưởng tới chính sách khu vực của nước này thông qua Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng cũng như sự ủng hộ Trung Quốc đòi IMF công nhận NDT là ngoại tệ dự trữ toàn cầu...
Bất ngờ phá giá liên tiếp đồng NDT của Trung Quốc được cho là "bình minh" của một cuộc chiến tiền tệ. Tác động của nó tới các nền kinh tế - nhất là trong khu vực - đang lệ thuộc ít hoặc nhiều vào kinh tế Trung Quốc là rõ ràng. Ngược lại, với "hành động" NDT trên đất liền, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lộ rõ thực tế với rủi ro "hạ cánh cứng" ngày một cao và nền kinh tế hơn 1,3 tỷ dân đã bước vào thời kỳ đồng NDT yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.