(HNMO) - Trung Quốc chuẩn bị sơ tán khoảng nửa triệu người trước nguy cơ một cơn bão “khổng lồ” sẽ đổ bộ vào phía Đông Nam trong tuần này.
Bão Talim được dự báo sẽ đổ bộ vào một số thành phố dọc miền Trung và Bắc tỉnh Phúc Kiến, bao gồm Phúc Châu và Ninh Đức, Reuters ngày 11-9 dẫn lời Liu Aiming, một quan chức thuộc Cục Khí tượng thủy văn tỉnh này.
Bà Liu cũng cho hay, giới chức tỉnh dự kiến sẽ tiến hành sơ tán từ 400.000 đến 500.000 người. Tuy nhiên, con số này là chưa chính xác vì còn phụ thuộc vào tình hình thực tế. Hầu hết những người được sơ tán sinh sống tại các khu vực không có khả năng chống chịu gió lớn, đối diện với nguy cơ lũ lụt, lở đất hoặc ở gần các công trường. Reuters cho biết, các trường học và sân vận động sẽ được dùng làm nơi trú ẩn tạm thời.
Cũng theo bà Liu, bão Talim hình thành tại phía Đông Philippines từ cuối tuần trước, được dự báo sẽ đổ bộ vào cả Phúc Kiến và Đài Loan. Hiện bão đang mạnh dần lên và có nguy cơ trở thành siêu bão khi vào đến đất liền. Đây là cơn bão có cường độ lớn nhất trong thang dự báo bão của Trung Quốc và được cho là mạnh ngang với bão cấp 4 hoặc 5 ở Mỹ.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy bão Talim đang hướng về Trung Quốc. Ảnh: NASA |
“Talim là một cơn bão khổng lồ. Nó sẽ vượt qua bất kỳ cơn bão nào chúng ta đã chứng kiến trong năm nay”, bà Liu nhận định, đồng thời cho biết chính quyền tỉnh sẽ buộc phải cưỡng chế di tản trong trường hợp người dân từ chối.
Các chuyên gia nhận định bão Talim mạnh tương đương siêu bão Irma vừa đổ bộ vào bang Florida (Mỹ) hồi cuối tuần trước nhưng số người phải sơ tán tại Phúc Kiến chỉ bằng 1/10 tại Florida dù tỉnh này có dân số đông gấp rưỡi.
Theo Giáo sư Huang Peng, người từng có thời gian làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu bão quốc tế ở Florida, việc Trung Quốc và Mỹ áp dụng các biện pháp khác nhau trong việc đảm bảo an toàn cho người dân trong bão là có lý do.
Huang cho hay, Mỹ sơ tán khẩn cấp 5 triệu người vì họ đa số sống tại các vùng đất thấp, đồng nghĩa với việc sẽ trở thành mục tiêu của các đợt gió mạnh. Không chỉ vậy, những người này còn sống rải rác trên diện tích rất rộng khiến việc cứu hộ và tiếp tế gặp rất nhiều khó khăn.
Trái lại, Trung Quốc thường không tiến hành sơ tán quy mô lớn do quốc gia này sở hữu mật dộ dân số đông.
“Trong trường hợp người dân hoảng loạn vì thảm họa, tuyến đường sơ tán có thể bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Nhiều con đường tại Phúc Kiến thậm chí bị kẹt trong những kỳ nghỉ”, Giáo sư Huang nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.