Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung - Mỹ: Bằng mặt nhưng không bằng lòng

Đình Hiệp| 11/07/2014 06:36

(HNM) - Đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là thảm họa cho cả hai nước và thế giới. Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của một Trung Quốc ổn định, thịnh vượng, đóng góp vào sự ổn định, phát triển của khu vực và thế giới…


Những phát biểu mang tính ngoại giao được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra trong phiên khai mạc Đối thoại Chiến lược và kinh tế (S&ED) thường niên lần thứ 6 và Tham vấn cấp cao về giao lưu nhân dân (CPE) lần thứ 5 dường như chưa thể xua tan hoài nghi về những bất đồng trong quan hệ Trung - Mỹ hiện nay.

Phiên khai mạc Đối thoại Chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ lần thứ 6 tại Bắc Kinh.


Diễn ra trong hai ngày 9 và 10-7 tại thủ đô Bắc Kinh, S&ED lần này tập trung thảo luận một loạt vấn đề không mới nhưng chưa tìm được tiếng nói chung giữa hai nước, từ tỷ giá đồng nhân dân tệ, an ninh mạng, hợp tác thương mại - đầu tư song phương… đến những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp chủ quyền trên biển… Trải rộng từ an ninh đến kinh tế, cuộc đối thoại được xem là cơ hội để Trung Quốc và Mỹ từng bước xoa dịu những căng thẳng do xung đột phát sinh.

Sự hiện diện của Chủ tịch Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc - tại phiên khai mạc cho thấy sự cần thiết của đối thoại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm thu hẹp khoảng cách trong nhiều vấn đề còn tranh cãi. Khẳng định quan hệ Mỹ - Trung có tầm quan trọng sống còn với cộng đồng quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phát biểu khai mạc cuộc đối thoại nhận định, sự đối đầu Mỹ - Trung là một thảm họa. Thừa nhận hai nước vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt, thậm chí xung đột về một số vấn đề là khó tránh khỏi, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Mỹ - Trung đang có mối liên hệ hơn bao giờ hết và hai nước sẽ được lợi nếu hợp tác với nhau. Chia sẻ quan điểm này với Trung Quốc, Ngoại trưởng J.Kerry trong phát biểu tại S&ED khẳng định cam kết của Mỹ trong việc xây dựng mô hình hợp tác kiểu mới giữa các nước lớn với Trung Quốc. Nhưng người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ cũng lưu ý trong lịch sử sẽ có sự đối đầu chiến lược giữa các cường quốc đã có vị thế với cường quốc mới nổi.

S&ED lần này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc không ngừng các hành động leo thang căng thẳng trong khu vực khi họ ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông cũng như biển Hoa Đông, trong đó có việc phát hành bản đồ khổ dọc thể hiện "đường 10 đoạn" nuốt trọn Biển Đông. Vì thế, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình của khu vực được Mỹ đặc biệt quan tâm.

Với tư cách là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Châu Á với phần lớn lượng hàng hóa được vận chuyển qua đường biển, Mỹ không thể chấp nhận việc Trung Quốc đơn phương giải quyết vấn đề lãnh hải với các nước trong khu vực bằng cách tạo nên hiện trạng mới. Cho rằng, các nước không được phép hành động đơn phương để đạt được các yêu sách lãnh hải hoặc lợi ích riêng, Ngoại trưởng J.Kerry phát biểu tại S&ED nhấn mạnh rằng, trật tự dựa trên luật định tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là cốt yếu và Mỹ mong muốn Trung Quốc góp phần vào trật tự này. Mặc dù đây không phải lần đầu tiên Mỹ lên tiếng không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh hải nhưng rõ ràng các hành động gây bất ổn trên Biển Đông, biển Hoa Đông - ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nước Mỹ khiến Washington không thể đứng ngoài cuộc.

Năm 2014 đánh dấu 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ. Kể từ năm 1979 đến nay, kim ngạch thương mại song phương Trung - Mỹ đã tăng hơn 200 lần khi đạt mức 520 tỷ USD năm ngoái, chiếm khoảng 1/4 tổng thương mại toàn cầu. Với vị thế là hai nền kinh tế đầu tàu của thế giới, bất cứ sự "va chạm" nào trong quan hệ Trung - Mỹ đều tác động tới khu vực và thế giới. Song trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lộ rõ ý đồ tranh giành ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương bằng phô diễn sức mạnh quân sự, gây hấn với các đồng minh cũng như đối tác của Mỹ trong khu vực thì việc đạt được tiếng nói chung trong giải quyết các bất đồng thông qua S&ED Mỹ - Trung sẽ càng trở nên xa vời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung - Mỹ: Bằng mặt nhưng không bằng lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.