(HNM) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành.
Cơ sở mới khang trang của Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều). Ảnh: Thái Hiền |
Đến nay, một số đơn vị đã di chuyển đến địa điểm mới, tuy nhiên lại chưa bàn giao quỹ đất cũ cho thành phố mà sử dụng làm cơ sở 2, do đó việc đề xuất bổ sung hạ tầng kỹ thuật, xã hội của thành phố chưa thực hiện được.
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, sau khi có Quyết định 130/QĐ-TTg, TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch đô thị. Đồng thời, theo Điều 9, Luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh viện hiện có; không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ).
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho biết, tổng số có 8 cơ sở bệnh viện đã và đang di dời, trong đó Bệnh viện K và Bệnh viện Nội tiết trung ương đã đưa vào sử dụng cơ sở mới. Đối với cơ sở giáo dục, thành phố đã giới thiệu địa điểm mới cho Đại học Luật Hà Nội. Trong khi, Đại học Y tế công cộng vừa khánh thành cơ sở mới. Đối với trụ sở bộ, ngành, thành phố đã quy hoạch địa điểm tập trung tại khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây và khu trung tâm triển lãm quốc gia Mễ Trì. Tổng số đã có 9 cơ quan di dời hoặc đang triển khai di dời.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô định hướng hình thành tổ hợp y tế để bố trí cho các bệnh viện trung ương, tại Gia Lâm - Long Biên (50ha), Hòa Lạc (200ha), Sóc Sơn (100ha), Phú Xuyên (200ha), Sơn Tây (50ha). Trong khi, khu vực đại học Hòa Lạc được bố trí với ngành nghề nghiên cứu cơ bản, công nghệ và kỹ thuật cao, quy mô 120.000-150.000 sinh viên, diện tích 1.100-1.200ha; khu đại học Sóc Sơn bố trí với ngành kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nghề, quy mô 80.000-100.000 sinh viên, diện tích 600-650ha. |
Tuy nhiên, kết quả di dời các cơ sở ra khỏi nội đô theo Quyết định 130/QĐ-TTg được đánh giá là hạn chế. Cả ba bộ Xây dựng, Y tế và Giáo dục - Đào tạo đến nay chưa hoàn thành danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời trụ sở cơ quan trung ương, bệnh viện, cơ sở đào tạo khỏi nội đô. Bệnh viện Nội tiết trung ương và Bệnh viện K đã đầu tư cơ sở mới nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội đô. 7/9 cơ quan trung ương đã di dời vẫn tiếp tục giữ cơ sở cũ làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan trung ương quản lý; 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất đầu tư dự án nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng. Tương tự, khu đất hiện Đại học Y tế công cộng sử dụng, tại số 138 Giảng Võ, đã được chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng.
Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực, trong các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, quỹ đất sau di dời cơ sở bệnh viện, giáo dục, trụ sở cơ quan trung ương được ưu tiên phát triển công trình công cộng, hạ tầng xã hội, kỹ thuật. Tuy nhiên, việc các bộ được giao nhiệm vụ chưa hoàn thành lộ trình, biện pháp di dời; đơn vị đã di dời nhưng vẫn khai thác cơ sở cũ dẫn đến việc đề xuất sử dụng quỹ đất sau di dời bổ sung công trình công cộng, hạ tầng như mục tiêu quy hoạch chưa thực hiện được. Ông Lê Chính Trực cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi về đất đai, hạ tầng điểm đến để kéo giãn các cơ sở ra khỏi nội đô. Hiện sức hút khu vực nội đô trung tâm rất lớn cần có chính sách cân bằng lại lợi ích và sự phát triển.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho biết, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện di dời trụ sở ra ngoài nội đô theo đúng mục tiêu; việc sử dụng cơ sở cũ phải đúng quy định quản lý Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội có ý kiến với các bộ Xây dựng, Y tế, Giáo dục - Đào tạo sớm hoàn chỉnh quy hoạch ngành, danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời cơ sở ra khỏi nội đô theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 130/QĐ-TTg; đồng thời kiến nghị Thủ tướng có cơ chế, quy định bắt buộc bàn giao quỹ đất sau di dời cho thành phố để ưu tiên phát triển công trình công cộng, hạ tầng xã hội, kỹ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.