Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trụ cột mới trong thế giới đa cực

Vân Khanh| 15/04/2011 07:07

(HNM) - Kết nạp thêm Nam Phi, sự kiện câu lạc bộ các

Thêm một chữ S, vị thế của nhóm 5 nước: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) đã đạt đến một cung bậc mới khiến Hội nghị thượng đỉnh lần thứ III của nhóm diễn ra ngày 14-4 tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc trở nên đặc biệt hơn.

Với sự hiện diện của nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Phi, định chế kinh tế mới mẻ nhưng ngày càng tỏ rõ vai trò vượt trội qua nhiều cơn bão táp tài chính đã xác lập được vị thế không thể xem thường trong một thế giới đang biến động mạnh mẽ. Với chủ đề "Nhìn về tương lai, cùng hưởng phồn vinh", hội nghị đầu tiên tại Trung Quốc tập trung thảo luận phương thức tăng cường hợp tác giữa các thành viên về cải cách nhằm cân bằng hệ thống tiền tệ quốc tế, kiềm chế tình trạng biến động giá hàng hóa, hiểm họa biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững và một số vấn đề quốc tế khác. Ứng phó với một loạt ẩn số mà cả thế giới đang vất vả giải mã, BRICS không chỉ tự tìm hướng đi để ra khỏi đám mây mù đang che phủ bầu trời hậu khủng hoảng, mà còn dần khẳng định tầm ảnh hưởng toàn cầu đã bắt đầu định hình rõ nét.

Không chỉ đơn thuần là một cuộc tập hợp mới của một số quốc gia, BRICS hôm nay hiển nhiên là sự hội tụ của những "con rồng" trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Brazil mạnh về sắt và nông nghiệp, Nga sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ, Ấn Độ vẫn duy trì lợi thế về công nghệ thông tin, Trung Quốc nổi tiếng với danh hiệu công xưởng của thế giới và Nam Phi vẫn được xem là một trung tâm tài chính mạnh trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Một khả năng tương tác mạnh mẽ nội khối như vậy đã và đang biến cơ chế từng bị nghi ngờ về sức mạnh khi mới ra đời (năm 2001) thành một diễn đàn có tiếng nói ngày càng lớn bên cạnh những thể chế như G8 hay G20. Dù còn non trẻ, nhưng BRICS đã nhận được không ít ngưỡng mộ bởi sự thành công nhanh chóng và tương đối bền vững. Kiểm chứng rõ ràng nhất là cuộc suy thoái tài chính tồi tệ nhất thế giới năm 2008.

Nhóm này đã vượt qua thử thách khủng khiếp với hệ thống kinh tế toàn cầu hơn nửa thế kỷ qua bằng mức tăng trưởng dẫn đầu trong khi không ít những "ông lớn" vẫn chưa thoát khỏi những chiếc bẫy tự tạo ở nhiều cấp độ. Từ mức đóng góp còn khiêm tốn 13,1% năm 2000, hiện BRICS đã chiếm hơn 60% tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010. Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên đến 8,7 nghìn tỷ USD, bằng 18% GDP toàn cầu và kim ngạch thương mại chiếm 15% trong năm 2010, BRICS đã trở thành đầu tàu thúc đẩy sự hồi phục kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính. Không thể phủ nhận rằng, nếu thiếu đi bến neo đậu quan trọng này, con tàu kinh tế toàn cầu có thể bị lạc nhịp lâu hơn và phải mất nhiều thời gian hơn trong hành trình đến quỹ đạo phát triển mới.

Không dừng lại như một liên kết kinh tế, mối quan tâm của BRICS còn thể hiện trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Mới nhất là "Tuyên bố Tam Á" ngay sau hội nghị đã kêu gọi tránh sử dụng vũ lực trong các quan hệ khu vực và thế giới - mà hiện Libya là tiêu điểm - cho thấy liên minh này đang hoàn thiện vị thế chính trị sao cho tương xứng với sức mạnh kinh tế của khối. Có hai trụ cột Nga và Trung Quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đồng thời sở hữu một lực lượng quân sự đáng gờm là lợi thế khiến phương Tây không thể xem nhẹ mong muốn của BRICS trở thành một trung tâm độc lập trên bản đồ quyền lực thế giới.

Thế nhưng, nhiều người tin rằng, dù đã thành công ngoài dự báo khi nhanh chóng làm biến đổi cục diện kinh tế Nam - Bắc, song sự khác biệt về các chính sách địa-chính trị, thể chế, đặc điểm kinh tế... sẽ khó biến giấc mơ của BRICS sớm thành hiện thực. Trên thực tế, nhóm 5 nước này chỉ mới được cho là vượt Thế giới thứ ba và trên nhiều góc độ vẫn chưa thể sánh kịp các quốc gia phát triển. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của cơ chế mới mẻ này đã phản ánh thành công của quá trình tìm kiếm một trật tự thế giới đa cực với những trụ cột mới, đại diện cho những cơ hội phát triển công bằng và tốt đẹp hơn cho tất cả các quốc gia trên hành tinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trụ cột mới trong thế giới đa cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.