(HNM) - TS Nguyễn Trọng Bình, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu công nghệ sinh học, sinh vật phân tử ứng dụng trong y dược học ở Mỹ, khẳng định trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam có lẽ phải và chính nghĩa.
Năm 2007, TS Nguyễn Trọng Bình cùng một số nhà khoa học đã lập ra Quỹ Nghiên cứu Biển Đông nhằm góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nhân dịp về nước tham gia chuyến thăm Trường Sa, ông Nguyễn Trọng Bình đã có cuộc trò chuyện với Báo Hànộimới:
Ông Nguyễn Trọng Bình. |
- Ông có thể cho biết lý do nào khiến ông quan tâm tới công việc nghiên cứu về Biển Đông?
- Năm 2006, tôi đọc một số tờ báo Mỹ đưa tin một ngư dân ở Quảng Ngãi bị bắn trên vùng biển của nước mình. Tự nhiên tôi tự hỏi là tại sao ngư dân mình hành nghề trên biển của quê hương mình lại có thể bị bắn một cách vô lý như vậy? Ngay sau đó, tôi cùng với một số anh em khác thành lập ra Quỹ Nghiên cứu Biển Đông với mục đích thực hiện những nghiên cứu sâu về Biển Đông, góp phần bảo vệ hòa bình và công lý tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Biển Đông. Công việc của các thành viên quỹ là đi tìm những dữ liệu và xử lý để đưa ra những kết luận khoa học.
- Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể mà Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đã làm được sau 7 năm triển khai?
- Ngoài việc góp phần củng cố, nâng cao kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông của người Việt nói chung, hoạt động của quỹ còn tập trung thu thập thông tin, tài liệu hữu ích cho các nhà nghiên cứu Việt Nam nói riêng cũng như mở rộng sự hiểu biết quốc tế về vấn đề Biển Đông. Từ năm 2009 đến nay, khoảng 100 bài viết đã được quỹ đăng tải trên Báo Việt Nam và nhiều tờ báo khác; đồng thời quỹ đã dịch một số tài liệu sang tiếng Anh, trong đó có nhiều tài liệu có giá trị với nội dung lịch sử pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Ông đánh giá thế nào về tình hình Biển Đông hiện nay và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam?
- Căng thẳng trên Biển Đông, bắt nguồn từ những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở và những hành động ngang ngược của Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn tới an ninh khu vực và quốc tế. Trong đó, "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vạch ra vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 một cách nghiêm trọng. Để hội nhập quốc tế, các quốc gia đều phải tuân theo những ứng xử quốc tế, tuân theo các thỏa ước quốc tế. Xu thế của thế giới hiện nay là hòa bình, ổn định và phát triển. Chính sách ngoại giao của Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng này và được thế giới ủng hộ. Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam có lẽ phải và chính nghĩa. Vì thế, chúng ta cần tiếp tục đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển đảo thông qua sự vận động quốc tế, để các quốc gia trên thế giới hiểu lập trường và lẽ phải của mình. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng người Việt ở trong nước cũng như ngoài nước hiểu rõ quan điểm và cách ứng xử của Việt Nam để tập hợp sức mạnh đoàn kết dân tộc. Chúng ta cũng cần tăng cường các cuộc trao đổi, thảo luận công khai về biển đảo để mở rộng sự hiểu biết của người dân về những việc đang làm.
- Ông có thể cho biết cảm xúc của mình sau chuyến đi này?
- Dù đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, song các chiến sĩ hải quân luôn giữ vững ý chí kiên cường, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Tôi cũng mừng khi cuộc sống ngoài đảo đang ngày càng được cải thiện. Đây không chỉ là nỗ lực rất lớn của các chiến sĩ ngoài đảo xa mà còn cho thấy sự hỗ trợ đóng góp, quan tâm không ngừng của người dân trong đất liền đối với nơi hải đảo. Sau chuyến đi này, tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của quỹ và có những bài viết sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.