Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọng trách của lớp trẻ

Minh Ngọc| 29/06/2011 07:23

(HNM) - Tiếng nói, chữ viết, trang phục, âm nhạc… là sự sáng tạo trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng, thể hiện rõ bản sắc để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Thế nhưng, nếu không cẩn thận, nét bản sắc có thể mai một.

Du khách quốc tế tham quan chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Trung Thành


Mối lo có thật
Là tỉnh miền núi với 23 dân tộc anh em cùng sinh sống nhưng đến Hà Giang hôm nay, không dễ để phân biệt ai là người dân tộc nào bởi trang phục họ mặc giống người Kinh. Tương tự, khi đến thăm chợ Bắc Hà (Lào Cai), phiên chợ nổi tiếng bán nhiều thổ cẩm, trang phục dân tộc nhưng cũng thật khó để mua được một bộ váy áo do chính tay người phụ nữ dân tộc làm. Thay vào đó là những chiếc váy áo thổ cẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Ở nhiều điểm du lịch, phụ nữ dân tộc thường làm trang phục truyền thống để bán, còn bản thân thì mặc đồ may sẵn. Lý do là bởi để có một bộ quần áo dân tộc "nguyên bản", người phụ nữ phải mất nhiều tháng để hoàn thiện, giá thành có thể lên đến tiền triệu… Nhìn những bộ váy áo sặc sỡ, đậm chất công nghiệp tồn tại ngay ở những phiên chợ riêng có của đồng bào các dân tộc Việt Nam mới thấy rõ nguy cơ mai một về trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt.

Âm nhạc truyền thống cũng đang đối diện nguy cơ phai nhạt. Trong cuộc hội thảo "Tuổi trẻ với việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc" tổ chức cách đây chưa lâu, chị H'Nguốp Niê, người dân tộc Êđê, huyện Krông Búk (Đắc Lắc) cho biết: tính thiêng của tiếng cồng, chiêng Tây Nguyên đang dần mất đi. Cộng đồng Êđê D'ham ở huyện Krông Búk có những người không thể phân biệt được bài chiêng dùng trong lễ phát rẫy, lễ mừng lúa mới, lễ xuống giống khác bài chiêng trong lễ cúng tổ tiên, lễ mừng nhà mới như thế nào. Xu thế mất dần tính thiêng của cồng chiêng Tây Nguyên còn thể hiện ở việc nhiều người tùy tiện sử dụng các bộ chiêng không phù hợp với nghi lễ cụ thể. Ngôn ngữ dân tộc cũng vậy, ít được phổ biến, ít khi được dùng dù Nhà nước đã có chủ trương và giải pháp cụ thể. Chị Ma Thị Thao, cán bộ huyện đoàn Yên Sơn (Tuyên Quang) cho hay: "Tiếng dân tộc dễ thẩm thấu, dễ đến với các bạn trẻ, nhất là thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nhưng thanh niên dân tộc ngày nay chỉ hát các bài hát bằng tiếng dân tộc mình trong một số lễ hội, còn sinh hoạt hằng ngày thì hầu như không".

Trách nhiệm của lớp trẻ
Vốn văn hóa truyền thống đang đối diện nguy cơ thật thoáng; sự mất còn, bảo tồn chất lượng phụ thuộc phần lớn vào giới trẻ; những người giữ trọng trách nối mạch truyền thống từ cha, ông. Phạm Thị Đào, sinh viên khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số (ĐH Văn hóa) cho rằng: "Trình độ học vấn luôn tỷ lệ thuận với nhận thức. Thanh niên dân tộc thiểu số càng có trình độ văn hóa, càng hiểu biết nhiều thì càng muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Bởi vậy, cần quan tâm nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số". Còn anh K'so Uy, dân tộc K'ho (Lâm Đồng) nói: "Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình, nhưng trang phục dân tộc thì khó bởi nếu nương theo truyền thống đàn ông dân tộc tôi chỉ đóng khố. Cuộc sống hiện đại mà đóng khố ra đường thì không thể chấp nhận được".

Với suy nghĩ thế hệ trẻ phải có trách nhiệm giữ gìn vốn văn hóa của dân tộc mình, em Tô Thị Ngọc Dung (dân tộc Nùng), học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bắc Giang đã thành lập CLB nói tiếng dân tộc thiểu số. Tô Thị Ngọc Dung chia sẻ: "Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bắc Giang hiện có 376 học sinh, với nhiều dân tộc khác nhau, nên CLB chú trọng dạy ngôn ngữ các dân tộc ít người trong các buổi sinh hoạt vào tối thứ bảy hằng tuần. Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm CLB có nhiệm vụ chuẩn bị bài giảng theo từng chủ đề, như ngôn ngữ chào hỏi hằng ngày, vật dụng... Ngoài học tiếng dân tộc mình, các thành viên CLB còn có thể học tiếng của dân tộc khác, giao lưu văn hóa. CLB mới hoạt động được hơn nửa năm nhưng đã thu hút hơn 100 bạn tham gia". Bằng tình yêu vốn văn hóa dân tộc, chị H'Nguốp Niê đã xuống buôn, làng thuyết phục các già làng tham gia lớp dạy cồng chiêng cho thanh, thiếu niên. 5 năm qua, huyện đoàn Krông Búk đã mở được 5 lớp dạy cồng chiêng; đồng thời phối hợp với ngành văn hóa - thông tin tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về không gian văn hóa cồng chiêng nhằm truyền tình yêu di sản cho thế hệ trẻ.

Trang phục, ngôn ngữ thuộc số yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa, không thể coi nhẹ. GS. Hoàng Nam, Khoa Văn hóa dân tộc (ĐH Văn hóa) nhấn mạnh: Tuổi trẻ các dân tộc là người kế thừa, là người làm chủ nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc. Vì thế, nhiệm vụ bảo tồn giá trị tiếng nói, chữ viết, trang phục các dân tộc trước hết thuộc về thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọng trách của lớp trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.