(HNM) - Trước thềm xuân mới, Nhà hát Cải lương Hà Nội cho ra mắt vở cải lương “Trong sáng như pha lê”. Vở diễn phỏng theo truyện dài “Tấm lòng vàng” của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan, nói về đạo thầy trò, mang nhiều thông điệp với sự nghiệp “trồng người” hôm nay.
Một cảnh trong vở cải lương “Trong sáng như pha lê”. |
Trong khi ngòi bút của nhà văn Nguyễn Công Hoan ở truyện “Tấm lòng vàng” hướng vào tầng lớp nghèo khổ của xã hội thì kịch bản “Trong sáng như pha lê” mà tác giả Trần Hồng Vân viết lại mở rộng và phơi bày đầy đủ, đa diện nhiều giai tầng xã hội trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám. Dưới bàn tay đạo diễn của NSƯT Thanh Vân, “Trong sáng như pha lê” mở ra câu chuyện về Đức - một cậu bé mồ côi phải đi ở đợ, được chủ cho đi học chỉ là để… làm hộ bài cho con trai chủ nhà. Nhưng rồi, một ngày, cậu bị đuổi khỏi nhà bà chủ, không thể đi học tiếp. Thầy giáo biết được hoàn cảnh của cậu học trò sáng dạ, lặng lẽ mỗi tháng giúp cậu 3 đồng để tiếp tục đi học. Sau này, Đức đỗ cao, được bổ làm quan, đã cố công tìm ân nhân để trả ơn và giúp được người thầy của mình cả về vật chất lẫn tinh thần. Câu chuyện lướt khá nhanh, ê kíp sáng tạo nhấn nhá ở điểm giữa, với tình huống về đạo làm thầy trước những éo le, xô đẩy của thời cuộc, nỗi băn khoăn liệu có giữ được nền tảng, tấm lòng “trong sáng như pha lê”?
“Người làm thầy có thể không có được thứ này, không có được cái kia, nhưng phải giữ được sự tôn nghiêm của người thầy” - thầy Chính thốt ra những lời này sau khi phải đối mặt với bao thử thách, chịu đựng những tổn thương, cay đắng khôn lường. Trong khi đó, Hiệu trưởng Nhượng, người tâm đắc với quan điểm “gặp thời thế thế thời phải thế; muốn sống được, sống tốt phải biết thời, biết thế, biết hơn, biết thiệt…” ra sức thuyết phục thầy Chính phải công nhận trò hư là ngoan, trò dốt là giỏi, vì bố của trò ấy là người đã giúp đỡ, chu cấp cho nhà trường và đã giúp đỡ chính Hiệu trưởng để ông giữ được “ghế”. Cái lắc đầu của thầy Chính đã đẩy thầy và gia đình vào cảnh lưu lạc.
Không dừng lại ở đó, đạo diễn tạo ra những tình huống khắc nghiệt: Người cha giàu có, đầy quyền lực của một cậu học trò bị thầy từ chối đã quay ra trả thù, lôi kéo con trai của thầy Chính vào con đường ăn chơi, cờ bạc, dẫn đến nợ nần chồng chất. Thầy Chính và gia đình buộc phải gán nhà đất, chịu nỗi khổ tâm vì dù là thầy mà không thể nuôi dạy con mình trở thành người tử tế…
Đạo diễn Thanh Vân đã kiến tạo câu chuyện giàu thông điệp. Câu chuyện cách nay hàng thế kỷ, khi được đưa lên sân khấu hiện đại buộc đạo diễn phải có những thủ pháp mới để khán giả dễ tiếp cận. Nữ đạo diễn sử dụng màn hình led để tạo chiều sâu cho sân khấu trong mỗi cảnh diễn, nên không gian mở ra rất thật. Việc sử dụng ánh sáng tinh tế đã tạo hiệu quả biểu đạt sâu sắc, đặc biệt là cảnh cuộc họp nội bộ giữa 5 thầy giáo trong trường, bao nhiêu lời đối chất, suy nghĩ, giằng xé được “chạy” bằng bấy nhiêu độ sáng, khi sáng trắng, khi tối đen, khi đỏ thẫm, khi làm nổi chữ “Trung thực” trên phông nền, trên cả từng người thầy…
Khán giả sẽ thấy cảm động và tin rằng môi trường sư phạm vẫn còn những tấm lòng cao thượng như thầy Chính. Hơn thế nữa, hồi chuông cảnh báo về đạo làm thầy trước những thử thách, cám dỗ trong cuộc sống xưa và nay vẫn có nhiều điểm tương đồng, để lại nhiều điều đáng suy ngẫm cho khán giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.