(HNM) - PGS-TS Bạch Khánh Hòa, nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc máu (Viện Huyết học và Truyền máu trung ương), giảng viên chính Bộ môn Huyết học - Truyền máu (Trường ĐH Y Hà Nội) vừa được tặng giải thưởng Kovalevskaia 2012 vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Các công trình nghiên cứu của bà đã mang lại cơ hội hoàn thiện con người, cứu sống những bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận - gan, dị tật…
Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi cùng PGS-TS Bạch Khánh Hòa xung quanh một số thành tựu này.
Tôi mong những việc làm của mình có ý nghĩa với cuộc sống
- Lĩnh vực chuyên khoa miễn dịch huyết học về rối loạn di truyền tế bào ở CCB chiến trường B và con cái của họ, nghiên cứu về thai dị tật và những hậu quả do chiến tranh hóa học để lại sau cuộc kháng chiến chống Mỹ ở những CCB từng chiến đấu ở chiến trường B là công trình nghiên cứu đầu tiên của bà. Bà có thể cho biết, điều gì dẫn bà đến với lĩnh vực nghiên cứu đầy khó khăn và mới mẻ này?
- Những năm đó, hậu quả chất độc da cam/dioxin để lại trên CCB và con cái của họ quá nặng nề, gây ra nhiều bức xúc nên bố tôi (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương) và GS Tôn Thất Tùng rất quan tâm. Bố tôi tổ chức cho nhân viên (trong đó có tôi) đi làm nghiên cứu. Trong quá trình đó, trực tiếp đối mặt với nhiều vấn đề nên tôi thấy mình phải làm báo cáo khoa học.
PGS-TS Bạch Khánh Hòa. Ảnh: Linh Chi |
- Khi tiến hành đề tài, bà gặp những thách thức gì, nhất là ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin?
- Những năm 2000, chúng tôi bắt đầu vào các điểm cần nghiên cứu, lấy mẫu rồi quay về thành phố, liên tục đi lại, bay vào bay ra. Làm nghiên cứu, không bao giờ tôi nghĩ đến việc mình sẽ gặp những gì, phải trả giá gì? Tuy rằng, sau này Việt Nam mới có quy định về mẫu nghiên cứu chất độc da cam/dioxin theo quy chuẩn, về độ sâu, cách bảo quản….
- Chắc hẳn những chuyến đi đó sẽ để lại cho bà nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
- Ấn tượng mạnh nhất là trong lần tôi đi lấy mẫu cùng một người nông dân địa phương. Lúc đào đất thấy thuổng kêu cạch một cái, ông ấy cúi xuống, nói rất vô tư: “Bom đấy! Để gọi người ta đến tháo”. Vài câu nói như vậy mà tôi thấy lạnh cả sống lưng. Ở nhiều vùng tôi đã đi qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng nhiều khi giữa sự sống và cái chết là ranh giới thật mỏng manh. Tôi luôn nghĩ, phải thực hiện thật tốt công việc được giao để việc làm của mình có một ý nghĩa nào đó với cuộc sống còn quá nhiều khó khăn của họ.
- Công trình của bà có gì trùng lắp với những nghiên cứu mà rất nhiều tổ chức quốc tế từng thực hiện ở Việt Nam?
- Trước tôi, có rất nhiều tổ chức quốc tế thực hiện nghiên cứu về chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam trên nhiều khía cạnh, nhiều địa phương. Nhưng chúng tôi đã chọn những vùng tiêu biểu mà họ chưa đặt chân tới. Đây là đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước. Nhiệm vụ của tôi là mỗi khi đi lấy máu phải làm thế nào để đồng nghiệp làm sinh hóa, huyết học được song song nghiên cứu, phân tích, cho các đề tài thực hiện hiệu quả. Điều này đòi hỏi phải có kế hoạch chi tiết, chặt chẽ, từ điều kiện bảo quản, vận chuyển, mã hóa, trang thiết bị… Cả một dây chuyền phải phối hợp chính xác mới có thể tiết kiệm công sức, nhân lực và kinh phí. Trong khi đó, những công việc của chúng tôi đều phải thực hiện vào ban đêm.
- Bà thường lấy mẫu những khu vực nào?
- Sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng, huyện Nam Đông của Huế. Những nơi này đời sống người dân rất khổ, thiệt thòi vì ô nhiễm môi trường quá nặng nề. Điều này đã thôi thúc chúng tôi làm việc tích cực, nghiêm túc.
- Bà có hài lòng với những nỗ lực của mình?
- Tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình. Tôi cũng đã báo cáo cho chính quyền địa phương những nơi tôi đến để họ biết về thực trạng, từ đó có những cách thức hỗ trợ, giúp đỡ người dân chống lại những di chứng chiến tranh, đặc biệt là sự ô nhiễm về môi trường. Chúng ta còn phải tiếp tục thực hiện rất nhiều công việc để đấu tranh và bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Trong nhiều lĩnh vực, chúng ta không thua kém quốc tế
- Phòng chống HIV là một lĩnh vực rất quan trọng trong an toàn truyền máu. Liên tục tham gia phòng chống HIV/AIDS từ năm 1987 đến nay, với nhiệm vụ chính là đào tạo và hướng dẫn cho các địa phương về nhân sự, phương tiện và khả năng thực hiện kỹ thuật, năm 2010 bà đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích này. Điều gì dẫn bà đến với các nghiên cứu về HIV?
- Nói thật, thời điểm đó, chuyện phòng chống HIV mới chỉ “nóng” ở thế giới, Việt Nam mình chưa có điều kiện để quan tâm tới những nghiên cứu lĩnh vực này. Chúng tôi phải khởi động công việc từ những lý do tưởng chừng rất mơ hồ vì hồi ấy mấy người biết HIV/AIDS là gì đâu. Rồi sau đó, được nhập thiết bị, các tổ chức quốc tế cung cấp sinh phẩm, chúng tôi bắt đầu làm xét nghiệm. Đặc biệt, khi có ca HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ là chú Phạm Song khuyến khích, chúng tôi đã “hò dô” lao vào nghiên cứu… Sau đó là việc đào tạo, hướng dẫn cho các địa phương kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS.
- Tất cả đều nhằm tạo ra nguồn máu an toàn?
- Vấn đề đặt ra là phải có máu sạch truyền cho bệnh nhân. Nhiệm vụ của chúng tôi là sàng lọc máu, loại bỏ tất cả các loại virút, không riêng virút HIV, theo quy định về máu an toàn của Bộ Y tế. Mà muốn có máu sạch, chúng ta phải can thiệp vào “đời sống” của nó theo những quy trình nhất định. Chúng tôi phải đào tạo các tuyến dưới để họ hiểu phải làm như thế nào để có máu sạch.
- Ghép tạng là lĩnh vực tổng hợp, rất khó trên thế giới. Bà đã góp phần như thế nào vào thành công của ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam cho bệnh nhân Diệu Thuần?
- Trước đây chúng ta rất muốn ghép tạng, nhưng khi đó điều kiện chưa cho phép. Đến thế hệ chúng tôi, thời mở cửa, hợp tác, mời chuyên gia phối hợp, chúng tôi bắt đầu thực hiện ca ghép tạng đầu tiên. Nhiệm vụ của tôi là phải chọn người cùng quan hệ huyết thống; so sánh điều kiện của người cho và người nhận như thế nào, có ghép được hay không; làm cho cơ thể người nhận chấp nhận phần ghép từ người cho; kiểm tra từng ngày, xem nó phát triển như thế nào trong cơ thể mới, sớm ngăn chặn việc thải ghép, giúp bệnh nhân có cuộc sống an toàn.
- Chúng tôi thấy tất cả các đề tài của bà đều rất khó và hóc búa?
- Cũng đơn giản là vì chưa có ai làm.
- Chúng ta đã có nhiều thành công trong các nghiên cứu về y học. Tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế đời sống còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong đó là vấn đề đồng tiền. Đây cũng là lý do mà nhiều người mắc những chứng bệnh hiểm nghèo không được chữa trị kịp thời. Bà suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?
- Đúng là như vậy dù rằng mảng ghép tạng hiện nay đã thuận lợi hơn vì có nhiều loại thuốc mới và giá thành đã hạ bớt. Tuy nhiên không phải người bệnh nào cũng có điều kiện tiếp cận. Điều đó thôi thúc chúng tôi phải làm việc nhiều hơn nữa để hỗ trợ bệnh nhân, giúp họ ngày một an toàn, thuận lợi hơn và phải trả chi phí thấp hơn.
- Ở một khía cạnh khác, hiện nay mỗi năm cả nước có khoảng 4 vạn người ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao của nước ta không thua kém các nước tiên tiến, chi phí dịch vụ lại thấp hơn nhưng nhiều người bệnh có thu nhập cao vẫn chưa mặn mà. Thưa bà, đây có phải là nghịch lý?
- Trong nhiều lĩnh vực, chuyên gia Việt Nam không thua kém nước ngoài, chỉ là chưa có điều kiện để thực hiện mà thôi. Bên cạnh đó, tâm lý sính ngoại của chúng ta vẫn tồn tại phổ biến. Và điều cuối cùng là ngành y cần xây dựng và tăng cường lòng tin đối với xã hội.
Tôi muốn tập trung nghiên cứu sâu về tế bào gốc
- Trong công tác nghiên cứu khoa học, bà dành nhiều sự quan tâm tới mảng đề tài nào?
- Hiện giờ sinh học là mảng rất lớn, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên đây là mảng tương đối khó và sâu vì sinh học phân tử có quá nhiều mối liên quan với các lĩnh vực khác.
- Chúng tôi được biết, nhiều nhà khoa học của chúng ta thường kêu ca phàn nàn rằng, kinh phí cho công tác nghiên cứu hiện nay còn rất eo hẹp, chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Ý kiến của bà về vấn đề này?
- Đó chỉ là một phần. Phần khác, theo tôi, các nghiên cứu phải làm thế nào để có kết quả khả thi, ứng dụng trong đời sống, đừng phí tiền làm những việc vô bổ, mất công sức.
- Bà có thể cho biết về hướng nghiên cứu của bản thân trong thời gian tới?
- Tôi muốn tập trung nghiên cứu sâu về tế bào gốc. Hiện giờ đã có điều kiện tương đối đầy đủ sau rất nhiều năm xây dựng. Tôi mong sẽ có những nghiên cứu sâu để bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị tốt nhất. Trước đây, tôi mới chỉ thu gom, tích trữ được như một cái nhà kho, bây giờ là lúc đầu tư, suy nghĩ, sắp xếp lại cho thành hình hài, ra tấm ra miếng để có thể ứng dụng vào thực tế. Nói vui, tôi thường đùa với đồng nghiệp, sau này, khi nghiên cứu xong cứ vô tư xếp hàng mà… cưa chân, tôi cấy tế bào gốc vào, tất cả thành… “chân dài” hết!
- Liệu những mong muốn của bà có trở thành hiện thực trong tương lai gần?
- Hiện Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện K… đều rất quan tâm tới vấn đề tế bào gốc. Điều đó sẽ mở ra cơ hội chữa trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo.
- Trong công tác nghiên cứu khoa học, mối quan hệ của bà với các đồng nghiệp quốc tế như thế nào?
- Nhìn chung là rất thuận lợi, trên cơ sở bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Họ có những ưu thế về điều kiện, trang thiết bị, nhưng chúng ta cũng có những ưu thế riêng.
Ví dụ khi tôi làm việc với các chuyên gia Thụy Điển, họ hoàn toàn không có mẫu để nghiên cứu ung thư vòm họng trong khi lợi thế của tôi là từng nghiên cứu về vấn đề chẩn đoán sớm cho người mắc bệnh này, do đó tôi đã đưa một số nghiên cứu sinh sang hợp tác với bạn…
- Xin được hỏi nhỏ, lương của bà có cao không?
- Tôi nghỉ quản lý rồi, chủ yếu làm công tác đào tạo thôi. Bây giờ nếu về hưu, lương của tôi mỗi tháng được khoảng gần 4 triệu đồng. Ngày xưa, mỗi lần đi học là không được lao động tiên tiến, do đó không được nâng lương. Nhiều khi phải 7-8 năm mới được nâng lương. Nhưng với tôi, cuộc sống như vậy cũng là tạm ổn, tôi không đòi hỏi nhiều, vả lại tôi thấy mình chả bao giờ thừa thời gian.
- Chúng tôi thấy rất nhiều cán bộ, nhân viên, học trò ở viện gọi PGS-TS Bạch Khánh Hòa là bà, xưng con rất tình cảm, ấm áp như gia đình?
- Họ đều là học trò của tôi. Sống thẳng, sống thật nên tôi thường chia sẻ vui buồn, khó khăn với họ. Về kiến thức, kinh nghiệm, họ cần gì tôi đều giúp đỡ, truyền đạt; họ gặp khó khăn gì tôi đều sẵn sàng hỗ trợ, tất nhiên là trong khả năng của mình. Những cái đó mang sang “thế giới bên kia” cũng không để làm gì.
- Là phụ nữ, để hoàn thành những công trình nghiên cứu khoa học, bà có phải hy sinh những sở thích riêng không?
- Điều đó là lẽ đương nhiên, mình phải chấp nhận thiệt thòi hơn. Nhưng từ nhỏ tôi đã rất hứng thú với việc học, tôi có thể ngồi đọc sách say sưa cả ngày mà không chán. Nên bây giờ đó lại là lợi thế của mình đối với công việc này. Vả lại, tính tôi không ngại khó, sợ khổ.
- Vậy nhưng bà lại rất đẹp, một vẻ đẹp rất Hà Nội.
- Tôi giống mẹ, mẹ tôi là con gái Hà Nội gốc, học văn, làm nghiên cứu ngôn ngữ. Còn bố tôi lại theo chuyên ngành khoa học tự nhiên. Do đó, tôi thừa hưởng những phần được coi là đối lập của cả hai người. Tôi rất yêu nghiên cứu khoa học nhưng tôi lại rất mê đọc truyện, nghe nhạc, đọc báo, trồng hoa phong lan…
- Được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia 2012, cảm nhận của bà như thế nào?
- Mấy hôm rồi tôi liên tục nhận được điện thoại, tin nhắn chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp và học trò. Thực cảm động, nhưng thú thật là… rất mệt vì 11-12 giờ đêm vẫn có người gọi điện. Tôi không nghĩ rằng mình trở thành… “hot” thế này.
- Cảm ơn về những chia sẻ của bà. Chúc bà luôn mạnh khỏe, trẻ đẹp và thành đạt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.