(HNM)- Vào dịp nghỉ lễ cuối năm, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới tung ra hàng loạt chương trình mua sắm giảm giá thú vị. Trước sức
Nở rộ tour đến "thiên đường mua sắm"
Tiên phong khi xây dựng chùm tour đón Giáng sinh và năm mới 2012, Công ty Du lịch và Thể thao Việt Nam (Vietran Tour) đã chọn điểm đến là những "thiên đường mua sắm" ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông, Quảng Châu (Trung Quốc) với lịch khởi hành tập trung vào các ngày 23, 24-12 và 28, 29, 30, 31-12 để du khách thỏa sức lựa chọn. Nhờ những hành trình hấp dẫn, lượng khách đặt những tour này của Vietran Tour dịp Giáng sinh và năm mới 2012 tăng từ 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khu mua sắm Sunway Pyramid (Malaysia), một trong những điểm đến được nhiều du khách Châu Á lựa chọn. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Còn tại Công ty Du lịch Vietravel, lượng khách đặt tour dịp Noel và Tết Dương lịch năm nay tăng từ 28-30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách đặt tour ra nước ngoài chiếm 60%. Lý giải về sự sôi động của tour ngoại, bà Dương Mai Lan, đại diện Công ty Vietravel Hà Nội cho rằng, khác với tour nội đang phải chịu ảnh hưởng bởi giá vé máy bay tăng thì tour ngoại có giá khá ổn định, thậm chí không tăng bằng các dịp nghỉ lễ khác trong năm. Thêm nữa, những du khách là "tín đồ của shopping" có cơ hội mua hàng hiệu giảm giá từ 30 - 70% tại các outlet, mall, siêu thị… ở nhiều nước và tận hưởng không khí Noel, đón năm mới sôi động, tưng bừng. Xu hướng ra nước ngoài đón năm mới đã không còn là điều quá xa xỉ đối với người Việt. Những điểm "nóng" được lựa chọn nhiều nhất trong dịp nghỉ lễ này là tour Hồng Kông - Ma Cao, Malaysia, Singapore, Thái Lan…
"Shopping giá rẻ" luôn có sức hút lớn đối với du khách khắp nơi trên thế giới. Do đó, vào dịp cuối năm, Hồng Kông, Malaysia, Singapore… thường tổ chức lễ hội bán hàng giảm giá. Mục đích của chiến dịch này là tăng số lượng du khách nước ngoài, kéo dài thời gian lưu trú của họ để tăng doanh thu cho ngành du lịch qua dịch vụ mua sắm. Đơn cử như Lễ hội bán hàng giảm giá cuối năm 1 Malaysia (1MYES) từ lâu đã trở thành sự kiện không chỉ được người dân địa phương mà cả du khách quốc tế mong đợi. Được biết, nguồn thu từ mua sắm của du khách đứng thứ hai trong tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch tại Malaysia.
Tour nội khó "móc hầu bao" du khách
Trong khi khách du lịch trong nước đổ xô ra nước ngoài để mua sắm thì bài toán làm thế nào để du khách quốc tế chịu "móc hầu bao" khi đến Việt Nam vẫn chưa có lời giải. Thực tế cho thấy, khách quốc tế chi tiêu cho việc mua sắm ở nước ta rất ít. Nếu như một khách tới Thái Lan bỏ ra trên dưới 500 USD để mua sắm, thì tại Việt Nam con số này không quá 100 USD.
Những năm gần đây, gia đình anh Đặng Minh Quang (chủ cửa hàng sim thẻ ở 145 Ngọc Lâm - Long Biên) thường tổ chức đón Giáng sinh và năm mới ở nước ngoài. Anh tâm sự, tại các quốc gia trong khu vực, khách du lịch luôn bị cuốn hút bởi những khu mua sắm với quy mô lớn, hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá lại mềm và có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Đến đó, có khi phải đi đến vài ngày mới khám phá hết các mặt hàng tại đây. Trong khi đó, tại Việt Nam, gần như không có khu mua sắm nào đạt "tầm", đủ để du khách phải đi mỏi chân một ngày.
Thiếu các điểm mua sắm, vui chơi, giải trí và dịch vụ chất lượng khiến du lịch nước ta khó "giữ chân" khách nội, nói gì đến khách ngoại có nhu cầu chi tiêu cao. Đại diện nhiều hãng lữ hành cho rằng, nước ta không chỉ thiếu trung tâm mua sắm tầm cỡ mà thiếu cả những sản phẩm đáng để du khách bỏ tiền ra mua. Chẳng hạn, quà lưu niệm thì đơn điệu về chủng loại, mẫu mã và chưa có dấu ấn vùng miền, còn hàng thời trang như quần áo, túi xách thì toàn nhái "hàng hiệu"... Xem ra, điều trông đợi từ nhiều năm nay là có những trung tâm mua sắm với những sản phẩm lưu niệm độc đáo, hấp dẫn vẫn khó trở thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.