Kinh tế

Kích cầu “mùa vàng” mua sắm cuối năm

Lam Giang 08/11/2024 - 06:10

10 tháng năm 2024, tiêu dùng nội địa có phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp đà tăng tuy mức tăng chưa cao. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ trong “mùa vàng” mua sắm cuối năm là nhiệm vụ cần tập trung nhằm đạt các mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.

mua-1.jpg
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị WinMart (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm

Tăng trưởng song chưa cao

Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 6-11 nhận định, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10-2024 ước đạt 545,7 nghìn tỷ đồng, ước tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%).

Còn Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 77,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% và tăng 9,6%.

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Thủ đô đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2024 chưa đạt được mức như thời kỳ trước đại dịch Covid-19, tuy nhiên, xét theo quy mô thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2024 có mức tăng trưởng khá so với các năm với mức 5.246,2 nghìn tỷ đồng.

Tạo sức bật cho mùa mua sắm cao điểm

mua-2.jpg
Giới thiệu các sản phẩm tại Triển lãm Quốc tế chuyên ngành thực phẩm - đồ uống và thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống, tháng 11-2024.

Theo các chuyên gia kinh tế, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 và 10 tháng năm 2024 tiếp tục giữ đà tăng, song tiêu dùng nội địa phục hồi chưa cao. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa sẽ có những động lực tăng trưởng mạnh hơn khi diễn ra nhiều sự kiện khuyến mãi tập trung quy mô lớn và sôi động nhất trong năm, bên cạnh việc giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây được xem là “mùa vàng”, là giai đoạn quan trọng thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm.

Bên cạnh những giải pháp mang tính vĩ mô của Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết sẽ tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại, giảm giá hàng hóa; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Lực lượng quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Tại Hà Nội, Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội được tổ chức trong tháng 11 này với nhiều hoạt động hấp dẫn nhất năm như "Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản"; "Ngày hội khuyến mại thời trang và làm đẹp"; "Ngày hội khuyến mại điện tử, công nghệ"; "Sự kiện không dùng tiền mặt", "Hà Nội đêm không ngủ”... Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức sự kiện Tháng khuyến mại Hà Nội với khoảng 800-1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại cùng mức giảm giá 30-100% cho các sản phẩm đăng ký tham gia khuyến mại.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, chuẩn bị cho việc tham gia Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp để có được mức giá và nguồn hàng tốt nhất. Bên cạnh mức giảm của nhà cung cấp, Co.opmart còn triển khai mức giảm riêng, vừa hỗ trợ người tiêu dùng, vừa tạo lợi thế cạnh tranh.

Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam (huyện Gia Lâm) Lê Thị Hậu Phương, để tạo sức bật cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm, từ nhiều tháng qua doanh nghiệp đã tăng dự trữ nguồn nguyên phụ liệu, sẵn sàng tăng nguồn cung cho thị trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân:

thuong-lang.jpg

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kích cầu tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục khởi sắc khi các hoạt động kinh tế - xã hội như tổng kết, lễ hội, Tết… khiến việc mua sắm, tiêu dùng, tặng quà tăng mạnh vào cuối năm. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp thúc đẩy hoàn tất đơn hàng, thu hút lao động, do đó tăng quy mô chi trả, góp phần tăng chi tiêu mua sắm.

Trong giai đoạn này, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy dòng tiền vào mua sắm, tăng sức lan tỏa trong nền kinh tế. Cùng với đó cần phát huy hiệu quả chương trình khuyến mãi quốc gia, tăng cường vai trò các cơ quan xúc tiến thương mại, gia tăng các sự kiện như hội chợ, triển lãm nhằm đẩy mạnh quảng bá, khuyến mại. Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều hơn các lễ hội cuối năm, khôi phục lại các lễ hội và khuyến khích phát triển du lịch trong nước để tăng tổng cầu. Đặc biệt cần xây dựng nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng cao, ổn định về giá để cung ứng tới thị trường...

Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Lương Gia Lương Thanh Thúy:

thanh-thuy.jpg

Tạo đà cho tăng trưởng của doanh nghiệp

Nhờ đẩy mạnh phát triển sản phẩm với hàng trăm mã hàng, các loại trái cây sấy dẻo, trái cây đóng lon... của Công ty Lương Gia đến gần hơn với người tiêu dùng cùng sức tiêu thụ ngày càng tăng. Hiện chúng tôi đặt mục tiêu sẽ phát triển mạnh thị trường đầy tiềm năng tại miền Bắc. Để tìm kiếm đối tác, nhà phân phối, kích cầu tiêu dùng, mở rộng tiêu thụ sản phẩm tại khu vực phía Bắc, Công ty Lương Gia đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội. Chúng tôi đã đem tới các hội chợ ở phía Bắc nhiều dòng sản phẩm nước trái cây, sirô trái cây có vị thanh mát, ngọt nhẹ phù hợp với khẩu vị của người miền Bắc. Qua đây cũng tìm hiểu, lắng nghe ý kiến khách hàng để tiếp tục điều chỉnh sản phẩm phù hợp hơn nữa.

Với những hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực cùng sự khởi sắc của thị trường dịp cuối năm, chúng tôi kỳ vọng sẽ gia tăng hiện diện trên thị trường từ đó mở rộng đầu ra cho sản phẩm, tạo đà cho tăng trưởng của doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thanh Trà, Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng):

thanh-tra.jpg

Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

Cuối năm là thời điểm mùa cưới hỏi cùng các lễ hội cũng như việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán do đó chi tiêu của mọi gia đình đều gia tăng đáng kể. Đây cũng là thời điểm các nhà sản xuất, phân phối tung ra thị trường nhiều loại hàng hóa với mẫu mã phong phú, nguồn gốc đa dạng và nhiều mức giá giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn theo túi tiền của mình.

Tuy nhiên trên thị trường hàng giả, hàng nhái cũng tràn lan, người tiêu dùng vì thế rất có thể mua phải hàng kém chất lượng, nhất là các loại thực phẩm, đồ uống. Để người dân an tâm mua sắm, tôi mong các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt hàng hóa không rõ nguồn gốc; nâng cao trình độ nghiệp vụ, trang bị phương tiện nhằm kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó cần mở rộng các kênh truyền thông về nhận biết hàng giả, hàng nhái sao cho dễ tiếp cận, tiện theo dõi.

Hà Thư ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kích cầu “mùa vàng” mua sắm cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.