(HNM) - Ngày thi đầu cho thấy bên ngoài phòng thi đã không còn cảnh “lều chõng”, còn bên trong, thí sinh cũng
Thí sinh làm bài thi môn ngữ văn tại Hội đồng thi Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Huy động nhiều lực lượng tham gia
Khác biệt rõ nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là thí sinh học ở địa phương nào dự thi tại địa phương đó, không còn cảnh bố mẹ chở con vượt hàng trăm cây số sang tỉnh, thành phố khác dự thi. Em Nguyễn Tuấn Hưng (Trường THPT Đống Đa) dự thi tại Trường THPT Phan Huy Chú cho biết, do việc di chuyển thuận tiện, nhiều bạn của em còn tự đi, không cần bố mẹ đưa đón.
Hà Nội có gần 73 nghìn thí sinh đăng ký, dự thi tại 112 điểm thi. Việc di chuyển của các thí sinh nhìn chung thuận lợi, ngoại trừ một số ít thi tại Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) phải di chuyển khoảng 20km, song lãnh đạo điểm thi đã bố trí nơi ăn, nghỉ phục vụ thí sinh và người nhà.
Trong ngày thi đầu tiên, mặc dù thời tiết khá oi nóng, nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến thí sinh bởi các em được hỗ trợ chu đáo. Trường THPT Phan Huy Chú là một trong 6 điểm thi của quận Đống Đa, có 25 phòng thi với 600 thí sinh. Dù thí sinh đều ở gần, song nhà trường vẫn bố trí 2 phòng để phục vụ nhu cầu nghỉ lại buổi trưa; tất cả các phòng thi đều có máy điều hòa, nước uống. Từ sáng sớm, phía ngoài cổng trường đã có lực lượng sinh viên tình nguyện phân luồng giao thông, nhận giữ xe miễn phí, phục vụ nước uống… Lê Thị Lan, sinh viên Trường Đại học Phương Đông cho biết, nhiệm vụ năm nay có phần nhẹ nhàng hơn, không còn phải hỗ trợ việc tìm nhà trọ, dẫn đường đến trường thi hay làm “xe ôm” đưa đón thí sinh. Vì thế, đội tình nguyện có nhiều thời gian hỗ trợ tại chỗ cho thí sinh.
Năm nay Thành đoàn Hà Nội huy động nhiều sinh viên, bảo đảm tại mỗi điểm thi có ít nhất 30 người hỗ trợ thí sinh. Ông Nguyễn Văn Nam, phụ huynh học sinh dự thi tại Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) cho biết, nhờ sự hỗ trợ tích cực của sinh viên mà các ông bố, bà mẹ bớt lo lắng hơn.
Được biết, trước diễn biến khá phức tạp của thời tiết, các điểm thi trên địa bàn quận Long Biên đều có cán bộ y tế chuyên trách. Nhiều quận, huyện còn bố trí trạm y tế lưu động phụ trách các điểm thi gần nhau; các trạm y tế, bệnh viện cũng huy động cán bộ ứng trực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có sự cố...
Đề thi vận dụng kỹ năng
Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn toán. Ảnh: Nhật Nam |
Buổi thi đầu tiên, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố đã kiểm tra tại điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú, THPT Đống Đa (quận Đống Đa) và THCS Thanh Liệt (huyện Thanh Trì). Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu ban chỉ đạo thi các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo các điểm thi tăng cường công tác thanh tra, siết chặt kỷ luật ở khâu coi thi nhằm bảo đảm cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng với thí sinh.
Trước buổi thi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các trưởng điểm thi, yêu cầu kiểm soát kỹ các vật dụng mang vào phòng thi, nhất là các thiết bị điện tử nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực. Theo đánh giá sơ bộ của Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố, đối với 112 điểm thi, khâu coi thi được thực hiện nghiêm túc, việc tăng cường giám sát không gây căng thẳng cho thí sinh mà ngược lại, giúp các thí sinh có tâm thế thoải mái khi làm bài.
Đề thi môn toán và ngữ văn được đánh giá nằm trong chương trình. Theo thí sinh Nguyễn Tiến Anh (Trường THPT Đống Đa), đề thi không quá khó, có cấu trúc tương tự đề thi minh họa đã công bố nhưng không dễ đạt điểm cao. “Em hài lòng với cách sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó, vì như thế sẽ không mất thời gian tìm những câu dễ để làm trước. Tuy nhiên, với 50 câu trắc nghiệm trong 90 phút, em chưa có thời gian để kiểm tra lại bài làm. Với đề thi này, để đạt điểm 9, 10 thí sinh cần vận dụng nhiều kỹ năng, tổng hợp kiến thức để vận dụng giải một số câu khó. Em ước tính đạt khoảng 7,5 điểm môn ngữ văn và 7 điểm với môn toán”, Nguyễn Tiến Anh chia sẻ.
Còn theo nhận định chung của tổ toán thuộc Hệ thống giáo dục Học Mãi, đề thi tiếp tục được cải tiến theo hướng phục vụ đánh giá năng lực, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản, vận dụng tốt kỹ năng được học trong chương trình phổ thông.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THPT Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm) đánh giá: Đề thi ngữ văn hay, cách hỏi rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Câu nghị luận xã hội với yêu cầu bày tỏ quan điểm về “lòng trắc ẩn” mang tính thời sự, có ý nghĩa giáo dục với thí sinh. Là vấn đề quen thuộc, nhưng đề thi năm nay đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và vận dụng kỹ năng nhiều hơn.
Hôm nay 23-6, thí sinh làm bài thi môn khoa học tự nhiên vào buổi sáng và bài thi ngoại ngữ vào buổi chiều.
Tỷ lệ thí sinh dự thi ở môn ngữ văn đạt 99,53%; ở môn toán đạt 99,43%. Cả nước có 50 thí sinh vi phạm kỷ luật (1 bị cảnh cáo, 49 bị đình chỉ thi); không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Hà Nội có 12 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó có 5 trường hợp mang điện thoại và 7 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Trong buổi thi ngữ văn, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố nhận được ý kiến phản ánh về việc điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (quận Hà Đông) đánh trống thu bài sớm 3 phút. Qua xác minh, Ban Chỉ đạo xác nhận đồng hồ đặt tại điểm thi này nhanh 3 phút, các hiệu lệnh trống được thực hiện theo giờ của chiếc đồng hồ này và như vậy, tổng thời gian làm bài đủ 120 phút theo quy định. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.