(HNM) - Hà Nội trong những ngày kỷ niệm đáng nhớ này, các nhà xuất bản cũng đóng góp một hoạt động quan trọng là Hội sách mùa thu giới thiệu hàng nghìn đầu sách ở nhiều thể loại, tới độc giả Thủ đô.
"Hà Nội trong dòng chảy lịch sử" là tựa đề cuộc giao lưu với 3 tác giả viết về Hà Nội gồm Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến xung quanh 3 tác phẩm mới "Ba ngôi của người", "Cậu ấm" và "Me Tư Hồng", do NXB Trẻ tổ chức sẽ diễn ra 10h, ngày 11-10, tại Bảo tàng Phụ Nữ (36 Lý Thường Kiệt). Đây là một điểm nhấn thú vị của giới xuất bản trong dịp 60 năm Giải phóng Thủ đô.
Nếu thời gian trong "Ba ngôi của người" trải suốt 600 năm trên vùng đất Thăng Long - Hà Nội và đậm đặc thời hiện đại thì "Cậu ấm" là mạch thời gian về một Hà Nội thời thuộc địa đến những năm chiến tranh, bao cấp và "Me Tư Hồng" dựng lại chân dung một người phụ nữ trong cuộc giao lưu Việt - Pháp thời thuộc địa. Ba cuốn tiểu thuyết có thể xem như một bộ sử bằng văn chương về Hà Nội...".
Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến là những người đã sống với Hà Nội bằng chiều sâu riêng có của mình. Không chỉ một "không gian Hà Nội" trong tác phẩm mà chính chất Hà Nội đã ở ngay trong ngòi bút của mỗi người. Hà Nội của Nguyễn Việt Hà vừa gần gũi vừa mới lạ, khác với góc nhìn giàu tính lịch sử, văn hóa của Trần Chiến và đương nhiên, không giống cách viết của một người chịu tìm tòi như Nguyễn Ngọc Tiến. Sự khác nhau đem lại những điều thú vị mới mẻ khi họ đứng cạnh nhau trong một cuộc ra mắt sách cùng về đề tài Hà Nội. Trừ "Ba ngôi của người" đã phát hành trước đó một thời gian, còn lại "Cậu ấm" và "Me Tư Hồng" đều mới ra "lò", trình diện độc giả lần đầu qua dịp giao lưu.
Trong số 3 tác phẩm này, "Cậu ấm" là tác phẩm đã được thai nghén từ khá lâu của nhà văn Trần Chiến. Vài năm trước, ông đã để tâm tìm hiểu, gặp gỡ những nhân vật thông thạo nghề bếp hòng dựng lại một góc Hà Nội mà ông quen thuộc từ một cách nhìn riêng. Một Hà Nội qua hương vị ẩm thực, còn gì đặc sắc hơn? Nhưng không chỉ có ẩm thực, nhân vật chính là "cậu ấm" Vận với niềm đam mê theo nghề làm bếp, nếm trải nhiều "vị trí" từ anh nuôi kháng chiến, chủ quán bún thang được cả người Pháp ưa thích đến đầu bếp cho cửa hàng mậu dịch... qua giọng văn rủ rỉ của Trần Chiến đã trở thành một nhân chứng sống động phản chiếu bao đổi thay của Hà Nội từ thời Pháp thuộc đến những năm bao cấp. Và còn lại sau những đổi thay thời cuộc vẫn là sự tinh tế trong ứng xử, khả năng thu nhận, dung nạp nhiều nguồn của một lối sống thị dân Hà Nội. Lối sống ấy, tinh thần ấy có thể tiếp nối trong một Hà Nội vẫn đang không ngừng chuyển động như hiện nay? Có thể tìm kiếm câu trả lời trong một cuộc ra mắt một tiểu thuyết về Hà Nội "Phố vẫn gió" của nhà văn Lê Minh Hà vừa diễn ra sáng ngày 9-10 do Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội.
Bản thân tác giả và các nhà văn, nhà báo tham gia giao lưu đã đặt ra vấn đề thế nào là người Hà Nội và hôm nay, Hà Nội sẽ ra sao với những chủ nhân hiện hữu của mình? Nhà văn Lê Minh Hà vốn là giáo viên dạy văn của Trường Hà Nội - Amsterdam nhưng đã 20 năm sống xa Hà Nội (hiện ở Berlin, Đức) và tại buổi ra mắt tác phẩm của mình hôm qua, bà bày tỏ: "Hà Nội hôm nay là của những người đến với thành phố, sống và yêu nơi này với mong muốn nó trở thành giá trị cho số đông chứ không phải chỉ cho riêng mình".
Dịp này, cũng không chỉ có sách về Hà Nội cho độc giả lớn tuổi, NXB Kim Đồng cũng kịp thời giới thiệu với bạn đọc nhỏ hai ấn phẩm thú vị là tập hồi ký "Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa" của nhà văn Lê Bầu và "Tháng ngày thương nhớ" của Phạm Thắng. Trong đó, "Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa" là những trang viết sống động như phim về tuổi thơ ở vùng dưới bãi sông Hồng tự mấy chục năm về trước. Bên cạnh đó, với "Tháng ngày thương nhớ", thiếu nhi Hà Nội hôm nay có dịp theo chân nhà văn Phạm Thắng, nguyên đội viên đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt để trở về với nội đô Hà Nội những ngày trước và sau Cách mạng Tháng Tám lịch sử với những đứa trẻ trong sáng, vô tư nhưng sẵn lòng chiến đấu bảo vệ Thủ đô yêu dấu.
Có thể nói, với giới xuất bản và cả với người đọc, được ra mắt cũng như được đón đọc những ấn phẩm viết về thành phố trong dịp 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là một điều đặc biệt, dẫu rằng Hà Nội trong văn chương vốn là một dòng chảy không ngừng nghỉ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.