(HNMCT) - Trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại, không thể không kể đến dòng văn học trẻ của các cây viết tuổi 8x, 9x, 10x. Nhận diện dòng văn học trẻ, lắng nghe ý kiến các tác giả trẻ, đồng thời đưa ra những lời khuyên của lớp nhà văn đi trước, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm đã được Hội Nhà văn Hà Nội, Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội tổ chức. Hànộimới Cuối tuần xin giới thiệu một số ý kiến:
Nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội:
Luôn mong phía sau mình có một đội ngũ viết trẻ
Một nền văn học bao giờ cũng trông đợi vào lớp trẻ. Chúng tôi cũng luôn mong phía sau mình có một đội ngũ viết trẻ bởi chính họ mới tạo ra sự chuyển động đổi mới của nền văn chương của chúng ta.
Đặc biệt là với các bạn trẻ Hà Nội, Thủ đô luôn là nơi tập hợp các tinh hoa của nhiều ngành, tinh hoa về khoa học, chính trị và đặc biệt có tinh hoa văn chương, vậy các bạn trẻ Hà Nội cần đặt ra cho mình câu hỏi chúng ta có tham gia vào môi trường lao động sáng tạo như thế không và cần phải làm gì khi tham gia?
Theo dõi công tác văn trẻ đã lâu, tôi nhận thấy xu thế những năm 1990 xuất hiện một loạt cây viết trẻ mà sự đổi mới về ngôn ngữ, về phong cách, về thi pháp, loại hình nghệ thuật... đã làm nhiều người nghĩ rằng có lẽ sẽ có cuộc cách mạng về thi ca giống như thời Thơ mới chăng. Nhưng thời gian đi qua đã chứng minh đó chỉ là một sự tiếp biến, và những tác giả táo bạo thời kỳ đó giờ đây giọng điệu cũng đã khác rồi.
Do đó, các bạn trẻ hãy cứ tung tẩy, hãy cứ viết thỏa sức với bất cứ phong cách, thi pháp nào, điều quan trọng là có siêu thực đến mấy, hiện thực thế nào cũng phải để “kẽ hở” cho bạn đọc thẩm thấu tác phẩm của mình. Gắn bó với văn chương đòi hỏi phải có sự hy sinh, sự dấn thân và con đường của văn chương phải vượt qua vũng lầy của sự kể lể để bay lên cao đi đến được sự bao quát.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng ban Thời nay, Báo Nhân Dân:
Chủ động tạo ra sự dấn thân cho các cây bút trẻ
Nhà văn, nhà thơ trẻ Hà Nội không thuần túy là những con người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mà con người - tác giả Hà Nội đến từ nhiều vùng đất khác nhau, mang văn hóa từ những địa phương khác đến hòa trộn cùng văn hóa Thăng Long, văn hóa Thủ đô, tạo ra những giọng văn, giọng thơ thú vị.
Do đó, tôi mong rằng sẽ có nhiều hoạt động để tạo điều kiện cho các tác giả trẻ được dấn thân, tham gia các hoạt động thực tế sáng tác, tham dự các trại sáng tác và có sự trải nghiệm đối với đời sống Hà Nội nhiều hơn.
Để tạo ra sự gắn bó hơn nữa của các cây bút đối với Hà Nội thì không chỉ có Hội Văn học Hà Nội mà các cơ quan ban, ngành liên quan sẽ cần có sự phối hợp để chủ động tạo ra sự dấn thân cho các cây bút trẻ để họ có điều kiện thâm nhập, gần gũi, gắn bó sâu sát hơn với đời sống thực tại của kinh tế, văn hóa, xã hội Thủ đô.
Tôi tin rằng như vậy sẽ có được nhiều hơn những tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết chất lượng của các cây bút trẻ đang sống ở Hà Nội và viết về Hà Nội hôm nay. Từ đó, chúng ta có cơ sở để chọn lọc, để nhận ra rõ hơn sự lấp lánh của văn trẻ Hà Nội, cũng là cái đáng để chúng ta tiếp tục đầu tư, tôn vinh và hỗ trợ văn trẻ trên con đường sáng tác.
Nhà văn trẻ Phạm Thúy Quỳnh:
Dù theo hướng nào thì tựu trung văn chương luôn hướng tới cái đẹp
Đề tài lịch sử là một trong số những đề tài quan trọng được nhiều nhà văn, cây bút chọn viết, thể nghiệm. Tuy nhiên đề tài này lại chia ra hai thể nhỏ khác là dã sử và chính sử. Dã sử - tuy vẫn có một số quy tắc, nhưng không bị bó buộc như sử chính thống. Dã sử cũng nằm trong văn học phi hiện thực, thậm chí có người đùa rằng, viết truyện dã sử không khác viết truyện ma là bao, bởi vì tất cả đều là chuyện của người đã khuất, một số trong câu chuyện là do tác giả tưởng tượng nên, hoặc chỉ lấy cái nền bối cảnh để mà tưởng tượng nên.
Tôi chọn dã sử làm đề tài chính mà mình theo đuổi là do bản thân bị mê hoặc bởi những câu chuyện đã đóng gọn lại trong dòng thời gian đó, tiếc nuối về thời khắc đã qua, tiếc nuối các cuộc đời từng hiển hiện nhưng giờ đã quay về với hư vô, cuộc đời của nhân vật và thời kỳ càng mông lung lại càng hấp dẫn, là nguồn dinh dưỡng tốt đối với trí tưởng tượng.
Có rất nhiều tác phẩm được sáng tác bằng cách pha trộn chất liệu hiện thực và phi hiện thực với nhau, tôi tin rằng, ngay cả các tác phẩm mang tính hiện thực cũng có sự hư cấu tưởng tượng trong đó, vì bản thân con người chỉ có thể sống được một cuộc đời, nếu không hư cấu tưởng tượng trong tác phẩm thì sao có thể viết và đi dài lâu?
Với tôi văn học phi hiện thực và văn học hiện thực là hai dòng chảy có bờ phân cách rất mong manh, chỉ cần một cơn mưa dềnh là cái bờ đó bị phá vỡ, hai dòng hòa vào nhau, trong thực có ảo, trong ảo có thực. Dù chèo thuyền theo hướng nào thì tựu trung văn chương luôn hướng tới cái đẹp.
Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, Chủ nhiệm lâm thời Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội:
Lực lượng văn học phải xứng với tầm vóc của Thủ đô thời đại mới
Hơn ai hết, những nhà văn trẻ phải là người dự cuộc, phải nói được cái sâu xa bản chất, phải vượt lên phía trước, dự báo chỉ ra những hướng mới, những tinh thần mới, ý niệm mới của ngày mai.
Người viết trẻ là lực lượng tiên phong, chủ thể hội tụ các điều kiện cần và đủ để có thể tiếp cận cái mới, thừa hưởng cái mới của nền văn minh trí tuệ, mà để hội nhập theo tôi nghĩ chỉ cần nói đến những cái thiết thân, gần gũi nhất của bản sắc dân tộc tâm hồn người Việt là được.
Nhà thơ Raxun Gamdatop ghi lại lời dạy của cha mình rằng: “Bút pháp của con, thủ pháp của con, tức là tính tình, tính cách của con phải đứng hàng thứ hai trong thơ ca. Vị trí thứ nhất phải dành cho tính tình, tính cách của nhân dân”. Thủ đô ta với biết bao nét nghệ thuật truyền thống và tập quán đặc sắc, vậy lực lượng văn học phải làm sao cho tương xứng với tầm vóc của Thủ đô thời đại mới.
Chúng ta tôn trọng truyền thống nhưng không nên nhân danh truyền thống, bảo tồn bản sắc dân tộc mà ném đi, bỏ ngoài tai những sản phẩm có ý thức tìm tòi sáng tạo. Các cách tân về giọng điệu, hình thức và đột phá trong nội dung là đặc biệt quan trọng nó tạo ra mở lối cho văn học, cần phải được tôn trọng và xem xét đánh giá kỹ lưỡng. Tạo được một hành lang mới, có đổi mới về hình thức đây là yếu tố rất quan trọng quyết định sự phát triển của văn chương.
Đáng mừng là lực lượng văn trẻ của chúng ta đã có những đột phá khẩu trong đó nhà văn trẻ chủ động sáng tạo ra thế giới nghệ thuật riêng, dưới góc nhìn của mình mặc sức tung hoành tưởng tượng xây nên một thế giới tiểu thuyết riêng.
Đôi khi ta viết lấy được, viết ra nhiều, song lắng đọng chẳng được bao nhiêu. Nếu chúng ta không tiến tới chuyên nghiệp hóa có trình độ chuyên môn cao thì chúng ta đã tự phủ định mình. Chuyên nghiệp hóa văn chương là vấn đề quan trọng mà chúng ta - những nhà văn trẻ, cần ý thức sâu sắc về vấn đề này.
Nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội:
Không có ai là "cây đa, cây đề" trong sáng tạo
Không có ai là “cây đa, cây đề” trong sáng tạo mà chỉ có những giá trị đích thực của văn chương, thơ ca. Trong 10 năm qua, ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ, đóng góp vào đời sống văn chương Thủ đô. Có người tạo được dấu ấn nhất định, nhưng có người vẫn chưa định hướng cho bản thân và sáng tác còn thiếu nhiều yếu tố.
Ngày xưa nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Xuân Diệu đều từng nói rằng cứ đến giờ là ngồi vào bàn viết mà không chờ cảm hứng sáng tạo đến. Có nhà văn từng bảo đọc lại những trang viết của chính mình mà cũng không hiểu vì sao mình viết được như thế, mà bây giờ muốn viết lại như thế cũng không viết được.
Có lẽ với những người viết, khi ngồi vào bàn, cầm bút lên hoặc mở máy tính ra thì dường như có một con người vô hình nào đó hiện diện trong chúng ta. Vì vậy đừng bao giờ chờ cảm xúc đến mà hãy ngồi vào bàn rồi cảm xúc sẽ đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.