Ga Hàng Cỏ Hà Nội một chiều hè tháng 7-1965. Giữa không khí cả nước đứng lên sục sôi chống Mỹ, mấy trăm thanh niên xung phong thuộc đơn vị C814, N43 của Thủ đô rầm rộ lên tàu vào tuyến lửa Quảng Bình, mở đường Trường Sơn.
Chuyến tàu hôm ấy vào tới Quảng Bình đêm đã về khuya. Những chàng trai trẻ hành quân tới địa điểm ở trong rừng, khẩn trương bước vào việc mở đường Trường Sơn đầy gian nan, vất vả. Sau một thời gian hăng hái hoạt động, Viết Cảnh được bầu làm Bí thư Đoàn, quản lý đại đội, vừa chiến đấu, vừa công tác trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.
Bốn năm cùng đồng đội chiến đấu, mở đường Trường Sơn, chàng trai Viết Cảnh trở nên dày dạn với cuộc sống nơi chiến trường, với bom đạn và mùi thuốc súng. Tới tháng 9-1969, ông được chuyển ngành, trở ra Hà Nội nhận việc tại Xí nghiệp In Báo Hànộimới. Ban Giám đốc bố trí ông vào tổ sửa lỗi bài, cái tổ trong ngành in được xếp vào loại "nửa thầy, nửa thợ".
Bảy năm sau, năm 1976, do đạt nhiều thành tích, được bầu Chiến sĩ thi đua, Viết Cảnh trở thành tổ trưởng. Giờ đây, nghĩ lại những năm bao cấp, điều kiện làm việc đầy rẫy khó khăn. Việc đầu tiên khi đến nhận ca thường là nghe ngóng xem số báo ra hôm nay có mắc lỗi gì không. Sắp chữ bằng tay, đặt trang bằng tay, cả bản in thử cũng làm bằng tay. Những con chữ bằng chì dùng đi dùng lại đến mòn vẹt nên khi báo phát hành có những lỗi thiếu dấu mà chẳng thể quy trách nhiệm cho ai. Thêm cái nạn mất điện ban đêm. Cả kíp thợ đặt trang phải huy động mọi nguồn phát sáng: chiếc đèn dầu, quai dép cao su, cái lốp xe đạp hỏng… được đốt lên để một tay soi mặt chữ trên bàn mi, tay kia cầm chiếc díp thay con chữ.
Mười ba năm làm công việc sửa lỗi bài, Viết Cảnh ngày càng thêm yêu nghề báo. Từ việc đọc nhiều, hiểu rõ cách viết các thể loại báo chí, năng khiếu viết báo bộc lộ rõ. Cảm hứng, ông đặt bút viết. Được đăng báo, ông phấn khởi, tự tin, viết tiếp. Cứ thế, ông đóng góp nhiều tin, bài cho báo nhà với những đề tài nóng bỏng, mang bút danh Đỗ Hồng Quân.
Tới tháng 5-1982, một tin vui bất ngờ vụt đến. Viết Cảnh được Ban Biên tập Báo Hànộimới chuyển sang Ban Thư ký tòa soạn, làm nhiệm vụ thiết kế ma-két báo cùng mấy đồng nghiệp khác. Từ người sửa lỗi bài, ông bỗng đổi đời, trở thành thầy ký nhật trình ở tuổi 37.
Sau 7 năm vẽ ma-két ở Ban Thư ký tòa soạn, tháng 8-1989, Viết Cảnh được điều tới Ban Nông nghiệp làm phóng viên, từ đây mới bắt đầu những chuyến đi tác nghiệp. Thấm thoắt ông có 12 năm gắn bó với ngoại thành Hà Nội, bám vào mũi nhọn cuộc sống nông thôn, nắm chắc sự phát triển các đội sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp. Là cây bút say nghề, xông xáo, ông viết được một số điều tra có hiệu quả, không những làm tăng uy tín của tờ báo Đảng với độc giả, còn có sức mạnh phê phán những cá nhân, tập thể làm sai…
Thời gian sau, khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, ông tham gia viết các chuyên mục "Qua các thôn xóm", "Câu chuyện nông thôn", kịp thời nêu lên những ý kiến chỉ đạo xác đáng, bám sát nông vụ và cuộc sống nông dân. Tám năm sau, ông được đề bạt phó trưởng ban…
Trong 4 năm cuối cuộc đời ký giả (2002-2005), Viết Cảnh được Ban Biên tập điều sang làm Phó Trưởng ban Kinh tế (3 năm) rồi Phó Trưởng ban Bạn đọc (1 năm). Bằng cái tâm của người cầm bút, kinh nghiệm và bề dày kiến thức của người viết báo và làm báo, khi được giao nhiệm vụ quản lý, ông luôn được anh em phóng viên dưới quyền tôn trọng và yêu mến. Dù ở ban chuyên môn nào, ông cũng phát huy được khả năng của mình, cùng tập thể lãnh đạo xây dựng các trang báo sinh động, chất lượng… được bạn đọc đánh giá cao, được lãnh đạo, bạn bè đồng nghiệp tin tưởng.
Năm 2006, Viết Cảnh nghỉ hưu nhưng vẫn gắn bó với nghề. Do Tổng đội Thanh niên xung phong trung ương biết tin về đoàn viên cũ, đã nối lại liên lạc và trao cho ông trách nhiệm xuất bản chuyên san mang tên Cựu Thanh niên xung phong. Một mình ông lo đủ mọi việc, từ nội dung từng số chuyên san đến tổ chức mạng lưới cộng tác viên, tìm họa sĩ trình bày… Đây mới là bãi đỗ cuối cùng trong sự nghiệp làm báo của ông. Đến cuối năm 2011, các đồng nghiệp loan tin dữ "Viết Cảnh mắc bệnh hiểm nghèo, phải thường xuyên tới Bệnh viện Thanh Nhàn xạ trị". Song, việc chữa bệnh chỉ kéo dài được 8 tháng. Tới sáng 9-7-2012, trái tim ông bỗng ngừng đập ở tuổi 68, khi mới nghỉ hưu được 6 năm, khiến đồng nghiệp hết sức bàng hoàng.
Đêm về khuya. Tôi ngồi viết những dòng này, tiếc thương cây bút tờ báo hằng ngày của người Hà Nội không còn nữa nhưng những bài viết của Đỗ Hồng Quân vẫn còn mãi với đời.
Thành tâm thắp ba nén hương thơm, nghiêng mình trước hương hồn ông, chúc ông yên giấc ngàn thu trên đất cố hương, làng hoa Tây Tựu, Từ Liêm.
Đêm 9-7-2012
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.