(HNM) - Những ngày này, khi Thủ đô bước đến ngưỡng 1000 năm tuổi, lại thèm nghe những tình khúc về mùa thu Hà Nội, trong đó
Nhạc sĩ Văn Ký. |
Có dịp gặp nhạc sĩ Đoàn Bổng, ông cũng giống tôi, rất tâm đắc với ca khúc ấy của Văn Ký. Biết Văn Ký đã lâu, Đoàn Bổng kể rằng đó là người tài hoa hiếm có. Ngoài hàng trăm ca khúc sống mãi đến giờ thì Văn Ký còn có “gia tài” được giới chuyên môn ca ngợi, gồm các tác phẩm ở thể loại khí nhạc, ca kịch và giao hưởng: “Nhật ký sông Thương” (1971), “Đảo xa” (1972); nhạc cho các bộ phim truyện “Cô gái công trường”, “Trên vĩ tuyến 17”; phim tài liệu “Bác Hồ muôn vàn tình thân yêu”; Tổ khúc thiếu nhi viết cho piano; Biến tấu trên chủ đề “Xe chỉ luồn kim” cho cello và piano. Đặc biệt, tổ khúc vũ kịch “Kơ Nhí” gồm 7 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng đã được biểu diễn nhiều lần ở Liên Xô cũ và Đức. Ông là một trong số ít nhạc sĩ đầu tiên tham gia thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam và là ủy viên thường vụ hội nhiều năm liền.
Đã từng gặp nhạc sĩ Văn Ký, tôi thấy ông có tình yêu Hà Nội thật sâu đậm. Ông viết tất thảy 10 ca khúc về Hà Nội. Con số không phải là nhiều nhưng mỗi ca khúc của ông đều có dấu ấn riêng. “Trời Hà Nội xanh” của ông có thể xem như một thông điệp về hòa bình ở Thủ đô này. Nhưng hơn cả, ca khúc tạo được xúc cảm lớn với người Hà Nội, nhất là khi họ xa nơi đây. Ca từ thật mượt mà, đằm thắm: “Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội/ Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh”. Sự lặp từ vô tình tạo nên cái thắm thiết đáng nhớ của Hà Nội, làm người ta nhớ mãi. Rồi tiết tấu dồn dập, âm điệu vút cao đầy gợi cảm: “Ta chưa quên, ta chưa quên một mùa thu Hà Nội vùng lên/Hồng Hà cuộn sóng/Ta chưa quên, những ngày đêm mịt mù bão lửa/Đêm pháo hoa, anh lại gặp em/Trời Điện Biên, Hà Nội chiến thắng...” khiến người nghe muốn bay lên với trời xanh thắng lợi ấy. Văn Ký còn đưa nhiều hình ảnh gần gũi, thân thương về Hà Nội hào hoa và quả cảm: “Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội/Cầu Thăng Long soi bóng nước sông Hồng/Tiếng Người nói âm vang hồn sông núi/Hà Nội đi lên hôm nay trong nắng Ba Đình”. Cách kết nối ca từ thành một bản hùng sử âm nhạc về Hà Nội từ xưa đến nay vẫn rất thời sự.
Bên cạnh “Trời Hà Nội xanh” dành cho những người đang sống và xa Hà Nội nhớ thương thì Văn Ký còn có “Hà Nội mùa xuân” chứa đầy tâm tư của người đến với Hà Nội. Một sự bổ sung và đối nghịch đưa người nghe cảm nhận trọn vẹn về Hà Nội. “Gửi về anh, người trai Hà Nội/Từ nơi xa xôi, quê dừa em đã hẹn/Tặng anh một bài ca mới, trái tim em vời vợi nhớ thương...”.
Quãng năm 1979, ca sĩ Thanh Lan từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Chị tới thăm nhạc sĩ Văn Ký và thổ lộ: “Em đã đi biểu diễn ở nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ được hát cho bà con, cô bác Thủ đô nghe”. Thế là Văn Ký dành “Hà Nội mùa xuân” cho người con gái phương Nam hát. Đó là một đêm sáng trăng giữa thu Hà Nội, nơi Nhà hát Lớn, giọng hát Thanh Lan cất lên nồng nàn, quyến rũ: “Em đã gặp mùa xuân Hà Nội. Hoa đào tươi nở trong nắng mới. Em yêu anh, thêm yêu Hà Nội. Yêu anh, em yêu cả cuộc đời...”. Ca khúc được nhiều người tán thưởng tạo nên dấu ấn cho cả nhạc sĩ và ca sĩ.
Còn nhiều nữa sáng tác về Hà Nội của Văn Ký, nhưng ông viết bài nào cũng thắm thiết màu xanh hy vọng, khiến Hà Nội tỏa sáng rực rỡ, tràn đầy nhiệt huyết vươn lên. Và vì thế ông dường như không có tuổi già. Tình yêu âm nhạc, tình yêu Hà Nội trong ông như một thứ thần dược, kéo dài tuổi xuân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.