(HNM) - Từ ngày 15-10, các trường tiểu học trên cả nước thực hiện việc đánh giá thường xuyên đối với học sinh bằng nhận xét, thay vì cho điểm số như trước.
Coi trọng cả quá trình học tập, rèn luyện của HS chứ không chỉ quan tâm tới kết quả cuối cùng, cách đánh giá mới được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho HS, kịp thời động viên HS tiến bộ. Ghi nhận vài ngày qua cho thấy, trái với sự háo hức của học trò, đa số cán bộ quản lý, giáo viên (GV) cảm thấy băn khoăn lo lắng.
Đánh giá theo phương pháp mới giúp giảm đáng kể áp lực cho học sinh. Ảnh: Khánh Nguyên |
Con trẻ háo hức
Việc đánh giá HS bằng nhận xét thay vì cho điểm đã được thực hiện thí điểm đối với HS lớp 1 tại nhiều địa phương trong năm học 2013-2014, vì vậy, hiện nay, nhiều GV đã được tiếp cận với cách thức mới. Các trường tiểu học đã có nhiều sáng kiến để công tác đánh giá HS đạt được kết quả, thầy cô và trò cùng "đo" chính xác sự tiếp nhận kiến thức, kỹ năng của mỗi HS. Cách thức phổ biến hiện nay ở các trường là dùng hoa thay cho điểm số. Mỗi HS, khi trả lời đạt yêu cầu sẽ được nhận một bông hoa và lời khen tặng của GV, tràng pháo tay của cả lớp thay cho việc cho điểm 9, 10 như trước đây. Số lượng hoa của mỗi HS sau từng buổi học là kết quả học tập của HS. Một cách khác, như tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm), GV đánh giá HS thông qua hình thức cắm cờ leo đỉnh Phan-xi-păng. Mỗi HS trả lời đúng yêu cầu sẽ được nhận một lá cờ và cắm dần theo các mốc tương ứng với độ cao của đỉnh núi. Trường Tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Đình) đánh giá HS vào mỗi cuối tuần bằng cách lồng ảnh của học trò trong mỗi bông hoa và dán lên bảng theo từng nhóm có kết quả nổi bật để biểu dương. Cách thức vừa học vừa chơi này khiến cho giờ học không căng thẳng mà còn tạo sân chơi kích thích HS thi đua.
Với những cách làm nói trên, thường thì hết một ngày học, đa phần HS đều được nhận hoa, cắm cờ, được tặng một hoặc nhiều tràng pháo tay, khí thế học tập lên cao. Nhìn chung, sau giờ học, phụ huynh đã thấy bớt đi nhiều gương mặt ỉu xìu vì điểm kém của học sinh.
Cô giáo Bạch Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Thực ra, trước đây, khi thực hiện việc đánh giá bằng điểm số, GV đều ghi kèm nhận xét, nhất là với những HS còn có điểm chưa đạt yêu cầu để phụ huynh biết, cùng nhà trường tìm cách khắc phục. Cách thức đánh giá mới đã giảm tải áp lực về điểm số, HS không còn sợ bị điểm kém, cảm thấy tự tin, thoải mái trước mỗi buổi học.
Người lớn băn khoăn
Khác với sự háo hức của học trò, hầu hết GV trực tiếp đứng lớp khi được hỏi đều cho rằng, dù đã được tập huấn khá kỹ song để thực thi một cách bài bản, đạt hiệu quả mong muốn là điều không đơn giản. Cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh, Chủ nhiệm lớp 5C Trường Tiểu học Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cho rằng, cách thức đánh giá mới đòi hỏi GV phải sâu sát hơn với từng HS, bởi với mỗi nhận xét ghi vào sổ/vở của HS, nếu không chính xác, rõ ràng thì lập tức sẽ có phản ứng từ phía HS, phụ huynh. Nếu như trước kia, sau mỗi học kỳ, để có đánh giá tổng hợp về một HS thì chỉ cần nhìn vào sổ điểm, còn nay, có lẽ 2 lần/tháng hoặc sau mỗi tháng là GV chủ nhiệm và GV bộ môn phải họp để nắm bắt chính xác, cụ thể về ưu, nhược điểm của từng HS. GV chủ nhiệm căn cứ vào kết quả này để phối hợp với phụ huynh tìm biện pháp giúp HS tiến bộ.
Với phương pháp mới, khối lượng công việc và số lượng sổ sách phục vụ cho việc theo dõi, đánh giá HS của mỗi GV cũng tăng hơn nhiều. Theo tìm hiểu, mỗi GV chủ nhiệm hiện phải quan tâm đến ít nhất là 6 loại vở/sổ: vở của HS, bài kiểm tra thường xuyên, bài kiểm tra định kỳ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục và học bạ, chưa kể là thông qua phiếu hoặc sổ liên lạc để tạo kênh trao đổi với phụ huynh. Khối lượng công việc vì thế cũng tăng đáng kể bởi thay vì chỉ cần ghi một điểm số như trước kia, GV giờ phải nhận xét trực tiếp, ghi vào vở/sổ của HS hằng ngày. Điểm khác nữa so với trước là giờ đây, mỗi lớp có thêm 2 cuốn sổ theo dõi chất lượng giáo dục (thay cho sổ điểm trước đây). Lý do phải có 2 cuốn là bởi số dòng ghi tên HS trong sổ chỉ cho phép ghi được 35 HS, trong khi đa số lớp ở cấp tiểu học hiện nay có từ 40 HS trở lên. Cuối mỗi tháng, GV chủ nhiệm và GV bộ môn phải cập nhật ý kiến đánh giá đối với từng HS vào cuốn sổ này một lần theo ba mục được quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, gồm quá trình học tập và hoạt động giáo dục, năng lực, phẩm chất.
"Choáng" nhất có lẽ là những GV dạy các môn chuyên biệt (thể dục, âm nhạc, mỹ thuật). Với thời lượng 1 tiết/tuần/lớp, tùy theo quy mô HS, mỗi trường thường có 2 GV chuyên biệt song khối lượng công việc lại ở mức tỷ lệ nghịch. Đơn cử, mỗi GV chuyên biệt phải dạy ít nhất 23 lớp/tháng (số tiết quy định tối thiểu) thì chỉ riêng số sổ theo dõi chất lượng giáo dục của mỗi GV đã là 46 (mỗi lớp 2 cuốn). Với sĩ số trung bình như hiện nay, mỗi GV chuyên biệt phải cập nhật nhận xét hằng tháng cho khoảng 1.000 HS theo đủ ba mục, như đã nói trên. Rõ ràng, đó là một khối lượng công việc không nhỏ. Một GV tại quận Long Biên (xin giấu tên) cho rằng, với quy định mới này, chỉ riêng việc ghi sổ cũng mất cả ngày, trong khi còn nhiều việc phải hoàn thành. Vì thế, chắc chắn không tránh khỏi tình trạng làm cho có, để đối phó.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, cách đánh giá bằng nhận xét là xu thế chung của các nước tiên tiến, song phương pháp này chỉ đạt hiệu quả khi lớp ít học sinh, một điều kiện mà đa số nhà trường Việt Nam hiện nay chưa thể đáp ứng. Yêu cầu đổi mới giáo dục đòi hỏi GV cần đầu tư nhiều hơn cho bài giảng, chứ không chỉ là việc ghi sổ sách, đó là chưa kể còn nhiều hoạt động giáo dục khác ở trường. Trong khi đó, đa số GV tiểu học là nữ, phải đảm đương việc tề gia nội trợ trong gia đình. Bởi thế, trong quá trình thực hiện, cơ sở và cấp quản lý cần thẳng thắn chia sẻ, lắng nghe để có những điều chỉnh cần thiết, không nên để xảy ra tình trạng quá tải đối với GV.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.