(HNM) - Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, cơ hội để những người đam mê viết, giới thiệu tác phẩm đến với công chúng và tìm kiếm nhà xuất bản
Con đường để trở thành một tác giả dễ hay khó tùy thuộc vào tài năng, sự kiên trì và khả năng tận dụng cơ hội của mỗi người, nhưng điều quan trọng là "hãy viết như món quà số phận tặng bạn để có niềm vui trong cuộc đời" - như cách nói của một "tác giả ngẫu nhiên" - PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh.
Các diễn giả tham gia tọa đàm “Trở thành tác giả Việt - dễ hay khó?”. |
Dễ - khó tùy người!
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh hiện là giảng viên Trường Đại học Ngoại thương, tác giả cuốn sách "Sống để hạnh phúc" và "Giải mã Hàn Quốc sành điệu" (dịch chung với Võ Huyền My, Võ Phương Linh)... Gọi là "tác giả ngẫu nhiên" bởi con đường trở thành tác giả văn chương của PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh rất tình cờ. Bà chia sẻ: "Trước đây, tôi không nghĩ mình sẽ thành tác giả. Tôi chỉ đơn giản là thích viết và chia sẻ qua trang web của mình. Một ngày, tôi nhận được 2-3 lời đề nghị in sách. Thế rồi các bài viết được tập hợp, chỉnh sửa rồi đem in. Thật bất ngờ!".
Con đường trở thành tác giả của PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh có vẻ dễ dàng, nhưng thực ra, tất cả phải bắt nguồn từ nền tảng vững vàng. Bà sinh ra trong một gia đình mà "máu thơ văn là truyền thống", rồi qua mạng xã hội, bà có điều kiện tương tác với bạn đọc nhiều hơn. Bà nói: “Tôi không cần "nghìn like", mà chỉ mong vài người cảm thấy có ích khi đọc bài của tôi, thế là thành công".
Khác với PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, con đường trở thành tác giả của Đặng Quốc Bảo - tác giả của các cuốn sách "Thức dậy và mơ đi", "Không giới hạn"... trắc trở hơn nhiều. Kể về cuốn sách đầu tiên, tác giả trẻ này không thể quên những tháng ngày trăn trở, hồi hộp, tràn ngập cảm giác thất bại: "Trước đây tôi không ham đọc sách. Một lần, được tặng cuốn sách với lời đề tặng thật trân trọng, cảm động quá nên tôi đọc trọn vẹn cuốn đó, để rồi ngạc nhiên nhận ra sách hay biết bao! Niềm cảm hứng khiến tôi muốn viết về những gì mình nung nấu. Cuối năm 2011, tôi bắt tay vào viết, 6 tháng sau thì hoàn thành bản thảo và gửi đến rất nhiều nhà xuất bản. Hồi hộp chờ, nhưng không ai trả lời!".
Tự nghĩ "chắc mình viết chưa hay", Đặng Quốc Bảo gọt giũa lại bản thảo. Qua rất nhiều lần gửi, "gò" bản thảo, phải sau 4 năm khi đã "chu du" qua vài chục nhà xuất bản thì cuốn đầu tay "Thức dậy và mơ đi" mới được in. Đặng Quốc Bảo chia sẻ: "Đó là một quá trình chông gai, nhưng nó giúp tôi học kỹ năng viết để dần trưởng thành".
Viết - món quà của số phận
Trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách Việt Nam 21-4 được tổ chức tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) gần đây, không phải ngẫu nhiên mà cuộc tọa đàm "Trở thành tác giả Việt - dễ hay khó" lại thu hút đông đảo bạn đọc đến vậy. Có bạn đọc, như Vương Thảo - sinh viên Đại học Y dược Thái Nguyên - đã theo xe buýt từ Thái Nguyên về Hà Nội dự tọa đàm. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Vương Thảo cho biết: "Tôi nung nấu đề tài viết về đời sống sinh viên và ý thức chăm sóc sức khỏe của giới trẻ, bắt nguồn từ thực trạng sinh viên hiện nay "sống thử" rất nhiều và ít quan tâm thông tin khoa học. Chia sẻ của cô Hoàng Ánh, anh Quốc Bảo... giúp tôi tự tin hơn trong việc hoàn thành bản thảo về đề tài này". Còn Hoàng Kim Quý, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: "Tôi thích viết, và hay viết trên facebook về những chuyện đời thường xảy ra mỗi ngày. Tôi đang "nuôi" mộng viết về cuộc sống sinh viên trước tuổi 25, nhưng có đôi chút băn khoăn. Do thiếu kinh nghiệm và hạn chế trong cách diễn đạt nên tôi cần lời khuyên từ các tác giả đàn anh".
Bàn về cơ hội trở thành tác giả, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh nhận xét: "Chúng ta đang ở thời điểm thuận lợi, có internet, có thể tạo blog, webiste lưu trữ tư liệu với các tính năng giúp ta biết những gì mình viết có phù hợp với nhu cầu của độc giả không. Để trở thành tác giả, không gì hơn là phải học cách viết - viết mỗi ngày".
Rosie Nguyễn, một giáo viên yoga, "phượt thủ" nổi tiếng, tác giả của "Ta ba lô trên đất Á", "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" - chia sẻ: "Kinh nghiệm của tôi là hãy viết những đoạn nhỏ mỗi ngày, đồng thời phải đọc những cuốn sách dạy kỹ năng viết, như "On writing" của Stephen King. Hãy gửi những bài viết đến các báo, website, tham gia các diễn đàn giao lưu với cộng đồng đọc sách - viết sách, qua đó tìm, kết nối với các NXB phù hợp với tác phẩm của mình".
Và đương nhiên, muốn viết hay, rất cần phải đọc nhiều sách hay để học hỏi, trau dồi tri thức, đúc rút kinh nghiệm!
"Tôi luôn cảm thấy mỗi người đều có kho báu của riêng mình, nếu không cố gắng khai mở kho báu ấy thì vừa thiệt mình, vừa thiệt cả cho người xung quanh. Điều quan trọng với người viết là có nhận ra trong lòng ta có gì và có dũng cảm viết về điều đó hay không. Viết để thỏa mãn mình, nhưng văn chương phải phục vụ mục đích nào đó, có lợi cho nhân sinh, làm giàu thêm vẻ đẹp cuộc sống. Hãy viết như món quà số phận tặng bạn để có niềm vui trong cuộc đời"! PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.