(HNM) - Ngày 7-2, người dân Ucraina đã đi bỏ phiếu lựa chọn tổng thống mới trong cuộc bầu cử vòng hai. Đây chỉ còn là cuộc đua
Mặc dù hai ứng cử viên còn lại trong vòng bỏ phiếu này đều mong muốn cải thiện mối quan hệ với Nga nhưng kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử vòng hai cho thấy, bà Timôsencô sẽ chỉ thu được khoảng 30% số phiếu, thua xa ông Yanucôvích, người có triển vọng nhận được sự ủng hộ của 45% số cử tri. Các chuyên gia xã hội học của Ucraina cũng cho rằng, "vòng nguyệt quế" sẽ được trao cho ông Yanucôvích, người ở vòng đầu đã vượt bà Timôsencô tới hơn 10% số phiếu.
Như vậy, xem ra dù đã rất nỗ lực, nhưng nữ Thủ tướng xinh đẹp của Ucraina khó có thể xóa đi ký ức trong lòng cử tri rằng bà chính là nhân vật "thổi hồn" cho cuộc cách mạng Cam cùng với Tổng thống Víchto Yusencô - thế lực đã đưa đất nước gần 50 triệu dân tới chỗ bế tắc sau khi "cách mạng thành công". Cử tri đã quá ngán ngẩm với những hứa hẹn của Thủ tướng và đồng tình với ông Yanucôvích rằng trong 5 năm qua, chính quyền Ucraina đã thi hành một đường lối mất lòng dân, một đường lối chẳng những không được Nga hoan nghênh mà cả phương Tây cũng không vừa ý. Không những thế, "di sản" của những "người hùng" cách mạng Cam còn là sự chia rẽ sâu sắc về chính trị trên chính trường và một nền kinh tế đang trên bờ vực phá sản. Điều này lý giải sự "dị ứng" của Ucraina với bất kỳ yếu tố nào liên quan tới "quá khứ Cam".
Tuy nhiên, ông Yanucôvích hay bà Timôsencô sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầy kịch tính vừa diễn ra trong 24 giờ qua (giờ địa phương) vẫn chưa được công bố. Nhưng, chắc chắn rằng, bất kỳ ai trong 2 ứng cử viên trở thành tổng thống mới của Ucraina đều sẽ có lợi cho Nga. Với Yanucôvích, người chưa bao giờ che giấu lập trường ủng hộ Nga từng tuyên bố sẽ đưa tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức thứ hai bên cạnh tiếng Ucraina nếu thắng cử. Còn nữ Thủ tướng Timôsencô, trong hơn 1 năm trở lại đây, sự hợp tác của "người đẹp" Kiép với Mátxcơva đã được cải thiện rất nhiều, nhất là trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng với Nga hồi đầu năm ngoái.
Điều này cho thấy, phương Tây không thể xem "dân chủ" là một món hàng xuất khẩu để áp đặt ở mọi quốc gia dưới bất kỳ hình thức nào. Nói một cách cụ thể hơn, cử tri Ucraina đã quá ngán ngẩm khi theo đuổi một giấc mơ "dân chủ" mà họ ngày càng nhận ra chỉ là hư ảo chỉ với cái "dạ dày rỗng" mà trước đó họ từng tin là sẽ được no ấm hơn nếu lao theo. Kết cục khi "hy vọng cam" sau 5 năm không còn bay bổng thì thực tế hiện nay là điều mà đa số người dân Ucraina không muốn thêm một lần nữa đánh mất.
Trong khi đó, quan hệ ngoại giao Nga - Ucraina vừa được khai thông trở lại (từ ngày 19-1) sau một thời gian "đóng băng" vì Mátxcơva cho rằng những chính sách của Tổng thống Yusencô từ khi lên cầm quyền sau "cách mạng Cam" chỉ có thể được gọi bằng hai từ "bài Nga". Việc Mátxcơva bất ngờ cử đại sứ trở lại Kiép ngay sau khi có tin bà Timôsencô và ông Yanucôvích lọt vào vòng hai cho thấy, Điện Cremli hoàn toàn tin tưởng vào xu thế của chính quyền Kiép trong nhiệm kỳ tới cho dù ai thắng trong cuộc đua vừa diễn ra. Rõ ràng Ucraina đang trên đà rẽ vào một bước ngoặt mới sau 5 năm rơi vào cơn ảo mộng của những giá trị phương Tây khiến tiến trình cải cách kinh tế bị ngáng trở, cùng tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính buộc nước này phải nhận đến 16,4 tỷ USD tiền ứng cứu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Như vậy không có nghĩa việc nối lại mối quan hệ với Nga có thể giúp tổng thống mới của Ucraina nhanh chóng lấp đầy ngân khố đang trống rỗng, đưa nền kinh tế đất nước ra khỏi tình trạng ốm yếu. Nhưng là nước có đường biên giới chung với Nga lên tới hơn 1.600km cùng những ràng buộc về lịch sử, kinh tế, thương mại... việc đưa mối quan hệ trở lại quỹ đạo gần gũi Nga mà cả hai bên đều mong muốn sẽ giúp Ucraina có lợi hơn là làm "mếch lòng" người láng giềng khổng lồ như đã từng theo đuổi.
Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới một trật tự mới cùng sự trỗi dậy của hàng loạt quốc gia và trung tâm quyền lực khác nhau, sự kiện Ucraina cho thấy rõ phương Tây đã và sẽ không dễ áp đặt các giá trị chính trị ngoại lai dưới chiêu bài "tự do dân chủ" không chỉ với khu vực Trung Á và Đông Âu. Cách mạng nhung như từng nổ ra thật sự là một "diễn biến hòa bình" đã được người dân Ucraina nhận diện. Và hiển nhiên cuộc cách mạng màu sắc ở đây đã chóng vánh phai màu vì đó chỉ là thứ phẩm nhuộm thứ cấp cho dù là hàng "nhập khẩu" chính hiệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.