Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giúp phát triển doanh nghiệp tư nhân

Hồng Sơn| 22/02/2022 06:11

(HNM) - Đảng, Chính phủ xác định doanh nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng, cần được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế theo hướng bền vững; từ đó nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Vì vậy, trợ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững luôn là mục tiêu xuyên suốt và quan trọng hàng đầu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022 cũng như thời gian tiếp theo…

Trang1: Trợ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững luôn là mục tiêu xuyên suốt và quan trọng hàng đầu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Trong ảnh: Sản xuất hàng gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam

"Chân dung" doanh nghiệp tư nhân

Hiện, doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 98% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. 

Với chủ trương bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm nội địa, 30% ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động. Đã có 29 doanh nghiệp tư nhân đạt giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, cũng như xuất hiện những “cánh chim đầu đàn” với quy mô và tiềm lực tầm khu vực, thậm chí là thương hiệu được chú ý trên phạm vi toàn cầu.

Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc, những năm gần đây, doanh nghiệp tư nhân không ngừng phát triển và có nhiều đóng góp quan trọng đối với đất nước. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp tư nhân cũng bộc lộ những tồn tại chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Đó là tình trạng lạc hậu về công nghệ, chất lượng nhân lực thấp và không đồng đều, hạn chế về năng lực quản trị, nhất là thiếu vốn (vốn trung bình dưới 20 tỷ đồng/doanh nghiệp). Đáng lưu ý, sức lực của doanh nghiệp bị bào mòn do dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp suốt 2 năm qua.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, do gánh chịu khó khăn liên tục, “sức khỏe” nhiều doanh nghiệp dần suy kiệt và một bộ phận đã phải rút lui khỏi thị trường. Đại diện cơ quan chức năng cũng ghi nhận, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã “tới hạn”, rất cần sự hỗ trợ có hiệu quả trong thời gian tới.

Trang4: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Viết Thành

Trợ giúp đồng bộ, thiết thực

Nhằm khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, phát huy nguồn lực nội tại, tiềm năng trong dân thông qua phát triển doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cùng cơ quan chức năng đã, đang và sẽ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời. Quốc hội cũng đã thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lớn nhất từ trước tới nay với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022-2023. Trong đó, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110.000 tỷ đồng. Đây được coi là cơ hội giúp các doanh nghiệp hồi sinh sau hai năm vật lộn với đại dịch.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp trở lại hoạt động và thành lập mới sẽ tăng mạnh năm 2022 nhờ việc áp dụng thêm một số ưu đãi. Chẳng hạn, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng phục hồi sẽ được hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách. Bên cạnh đó, các cấp, ngành còn có biện pháp hỗ trợ dài hạn, bền vững giúp doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới. Năm 2022, các nhóm giải pháp hỗ trợ được tập trung thực hiện gồm giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các đơn vị trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.

Đặc biệt, quyết định giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp là động thái kịp thời và thiết thực đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân, có quy mô nhỏ và vừa. Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, chính sách này có độ lan tỏa rất rộng. Người tiêu dùng được giảm giá sản phẩm. Doanh nghiệp có thêm điều kiện tiêu thụ hàng hóa, giảm chi phí sản xuất... Đây chính là động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Xây dựng Royal Palace Việt Nam Trần Ngọc Giang (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, hỗ trợ về thuế luôn mang lại tác động tích cực và trên diện rộng bởi nó cho phép tiết kiệm chi phí cũng như thúc đẩy tiêu dùng của xã hội. Sự hỗ trợ này là thỏa đáng, giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh khắc phục hậu quả của dịch Covid-19...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ngày 8-2 mới đây đã ký Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững; nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hỗ trợ, tư vấn, quản lý về kinh doanh bền vững; hỗ trợ phát triển tối thiểu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Qua chương trình, khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân sẽ được hỗ trợ kinh doanh bền vững, gồm: Tư vấn, đào tạo (cả đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp về xây dựng chiến lược); huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài; tìm kiếm, lựa chọn và chuyển giao công nghệ phù hợp; hỗ trợ chi phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp phát triển doanh nghiệp tư nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.