(HNM) - Trò chơi trực tuyến (game online) du nhập vào Việt Nam từ hơn 10 năm trước, thu hút đông đảo người chơi với đủ lứa tuổi, giới tính, ngành nghề. Tuy chỉ là một hình thức giải trí, nhưng game online đã để lại những hệ lụy không nhỏ cho xã hội, bắt nguồn từ những game thủ mê
Bài 1: Bên trong thế giới game online
Có một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang đốt thời gian, sức khỏe và tiền bạc tại các tụ điểm game online thâu đêm suốt sáng. Nhiều quy định được ban hành nhằm thắt chặt quản lý nhưng không khả thi, các quán game đều có những phương thức lách luật để phục vụ những "thượng đế" thích sống ảo hơn sống thật.
Đêm trong quán game
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hàng nghìn địa điểm chơi game online, thu hút một bộ phận không nhỏ giới trẻ, thậm chí cả những người lớn tuổi, có công ăn việc làm chơi thâu đêm suốt sáng.
Một game thủ nhí tranh thủ ăn ngay tại chỗ chơi game. |
Theo chân Tùng - một game thủ sành chơi hiện đang là nhân viên ngân hàng, chúng tôi đến quán net B. khá nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1) vào lúc gần 22 giờ. Để bảo đảm "bí mật", người chơi phải gửi xe cách đó chừng 20m. Nhìn từ ngoài đường không ai nghĩ bên trong là một quán net lớn. Đi vào trong ngách nhỏ khoảng 20m, lên tầng 2 mới thấy được mức độ hoành tráng của quán này. Hơn trăm máy tính đang hoạt động hết công suất trong một không gian mù mịt khói thuốc lá, và cũng chừng ấy con người đang dí mắt vào màn hình. Đa phần, những người chơi ở đây đều trẻ tuổi, hầu hết đang là sinh viên của các trường đại học. Nhận ra chúng tôi là khách lạ, nhân viên quán net khuyên nên tạo tài khoản thành viên để nhận được những ưu đãi tốt nhất. Nhân viên này hướng dẫn, nếu tạo tài khoản thì giá 1 giờ chơi sẽ giảm 30% chỉ còn 7.000đ/giờ so với chơi lẻ (tức không tạo tài khoản). Hấp dẫn hơn, hệ thống quản lý phòng game sẽ ghi lại số giờ chơi của chúng tôi, đến một mức độ nào đó sẽ được ghi nhận là hội viên và được phần thưởng có giá trị lớn hơn.
Ngồi vào một máy tính do nhân viên quán chỉ định, đập ngay vào mắt chúng tôi ngay trên hình nền, là một menu với đầy đủ bảng giá cụ thể đồ ăn thức uống, thuốc lá, thẻ game - những điều kiện thiết yếu nhất quán phục vụ cho game thủ có thể "tồn tại" để thoải mái sống trong thế giới ảo. Ngoài ra, quán net này cũng thể hiện độ chuyên nghiệp bằng các thiết bị hiện đại như máy tính cấu hình thông minh Intel Xeon cực mạnh với bộ nhớ CPU lên đến 1TB (Terabyte), đáp ứng nhu cầu sống trong thế giới ảo 24/24h của game thủ. Không khó để bắt gặp trong quán net B. cảnh các game thủ miệng nuốt vội vàng bát mì trong lúc mắt vẫn dán vào màn hình máy tính với những trò chơi đang "hot" hiện nay như Liên minh huyền thoại, Đột kích, Fifa Online 3…
Kim đồng hồ bước sang ngày mới, chúng tôi đến một quán net khác tên P. trên đường Lê Văn Sỹ (Phường 12, Quận 3). Không dễ nhận ra đây là quán net nếu như không có bảng hiệu và chút ánh sáng le lói hắt ra từ khe cửa chỉ đủ để lách người vào. Thời điểm này rồi mà số lượng game thủ ở quán vẫn không hề giảm, chúng tôi nhận ra có không ít khách nhỏ tuổi, phải ngồi xổm mới đủ cao để nhìn được màn hình máy tính.
Một số game thủ đã có dấu hiệu mệt mỏi do cả ngày "sống" trong game, giờ tranh thủ ngả lưng chợp mắt. Tuy nhiên, nhân vật của họ vẫn tiếp tục "cày" trong thế giới ảo, bởi đa số game online hiện nay đều có chức năng auto (tự chơi). Có thể do quá mệt, họ ngủ ngon lành trong một không gian ồn ã bởi tiếng cười nói, la hét, chửi thề trong quán. Nhân viên trông coi quán net P. cho biết, mỗi quán net đều có một số lượng khách ruột nhất định và được ưu ái hơn so với những người khác. "Từ khi vào làm cho quán net này, gần như không bao giờ thấy vắng khách. Và cũng chẳng giật mình hay bất ngờ khi tự nhiên có người rú lên chửi thề", nhân viên này cho biết.
Rời khỏi quán P. chúng tôi di chuyển đến quán game T.L. trên đường Lạc Long Quân (Quận 11). Do không có khu vực để xe riêng và cũng để "né" cơ quan chức năng, quán này phải tận dụng khoảng trống giữa 2 dàn máy để giữ xe cho khách đến chơi. Khách đông, xe chật ních choán hết lối đi nên mới có cảnh nhiều game thủ buộc phải trèo qua ghế, xe mới có thể di chuyển. Đang dắt xe vào trong, chúng tôi giật mình khi nghe thấy tiếng chửi mắng thậm tệ. Qua câu chuyện, được biết đó là chủ quán T.L. đang "dạy dỗ" một game thủ nhỏ tuổi "bùng" giờ chơi. Game thủ "chơi chịu" cúi mặt chịu trận để cho chủ quán khám xem trên người có tiền hay không. Sau một hồi xả giận, chủ quán bất lực "đá đít" game thủ nhí ra khỏi quán, chửi thề cạch mặt "thượng đế".
Sống cùng thế giới "ảo"
Với nhiều người nghiện game, cuộc sống của họ gắn chặt với nhân vật ảo. Bất cứ điều gì xảy ra với nhân vật cũng khiến người chơi hỷ nộ ái ố. Thậm chí, họ chăm chút cho cuộc sống ảo còn hơn là cuộc sống ngoài đời. Họ có thể mấy ngày không tắm giặt thay quần áo, nhưng lại sẵn sang bỏ ra cả triệu đồng để cho nhân vật ảo của mình có bộ quần áo mới cho bằng "huynh đệ".
Game thủ tên M. (27 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) cho biết đã chơi game Võ lâm truyền kỳ đã được 9 năm nay. Bắt đầu từ hồi sinh viên, M. có nhiều thời gian để chơi game nhưng cũng chưa đến mức quá nghiện bởi sinh viên túi tiền eo hẹp, vì vậy M. vẫn "may mắn" tốt nghiệp được đại học. Đến khi đi làm, có tiền bạc nhiều hơn nên nghiện càng ngày càng nặng. Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, M. liên tục dùng những từ ngữ "chuyên môn" của game Võ lâm truyền kỳ như "đồ sát", "đi train", "Tống Kim"… Để được xưng danh bằng "huynh đệ giang hồ" với những lần "công thành chiếm đất" hay "liên đấu võ lâm", mỗi tháng M. bỏ ra số tiền lên tới vài triệu đồng để nuôi một em "Cái bang". Đang tâm sự dở, M. chợt hét lên như điên khi nhân vật của mình bị người khác "đồ sát về thành". Vội vàng bỏ cuộc nói chuyện với chúng tôi để tập trung vào màn truy sát "cừu nhân", M. gấp rút lên kênh thế giới kêu gọi bang hội đến báo thù cho mình.
Câu chuyện bỏ dở với M., một cậu bé trạc 12-13 tuổi ngồi đối diện khiến chúng tôi chú ý. Game thủ nhí này đang chơi trò Đột kích, với những màn bắn súng giết người (ảo) giật gân. Trình độ chơi game của cậu bé khiến chúng tôi, những người đã "trải game" phải thốt lên kinh ngạc. Thấy có khán giả theo dõi, cậu bé càng hứng chí múa phím, lích chuột điệu nghệ hơn, liên tục đạt "Headshot" (bắn vào đầu đối thủ), thậm chí là đạt đến mức độ "Unbelievable" (giết 6 đối thủ mà bản thân không chết). Tò mò, tôi hỏi cậu bé về kinh nghiệm chơi. Phổng mũi, cậu bé lý giải cho chúng tôi từ cách đặt tốc độ chuột đến những màn "hit and run" (bắn xong chạy) để "thoát hiểm" trong game. Đã bước sang ngày mới, game thủ nhí này có lẽ đã thấy đói bụng nên gọi chủ quán đến nói nhỏ điều gì đó. Sau đó khoảng 5 phút, một đĩa mì được mang tới phục vụ tận nơi để cậu bé vừa nạp năng lượng vừa tranh thủ lướt facebook. Chủ quán cho biết, game thủ này là khách quen. Nghỉ học từ lâu, hàng ngày đi bán vé số kiếm tiền để tối đến trở thành "thượng đế" trong quán game.
Chia sẻ về tâm lý của game thủ, Tùng cho biết hầu hết những người chơi game đều chăm chút cho nhân vật của mình. Họ có thể bỏ ra hàng đống tiền chỉ để "làm đẹp" cho nhân vật, được thích thú ngắm nhân vật của mình và hãnh diện trước những lời xuýt xoa khen ngợi từ khán giả. Tùng kể một câu chuyện của mình, đó là thời đại học, khi chơi game Đột kích, Tùng đã từng lôi một cậu bé ra đánh nhừ tử vì tội… nhỡ chạm người Tùng để phát bắn đi trượt mục tiêu. "Game thủ thường cảm thấy cô đơn, luôn có cảm giác lạc lõng khi bước ra thế giới ảo để vào cuộc sống hiện thực. Nhưng game thủ cũng là những người dễ bị kích động nhất", Tùng tâm sự.
Game thủ nghiện nặng dường như chỉ cảm thấy được sống khi chơi trò chơi. Để được sống trong thế giới ảo, họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể ngồi trước máy tính, từ nghỉ học, trộm cắp, hay thậm chí giết người kiếm tiền chơi game. Đã xảy ra những sự việc đau lòng khiến gia đình và xã hội bàng hoàng khi tất cả bắt nguồn từ một chất gây nghiện công nghệ cao này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.