(HNMO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tiếp tục đưa dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.
Sáng 16-5, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ chín là 19 ngày: Đợt 1 là 9 ngày (từ ngày 20 đến 29-5); đợt 2 là 10 ngày (từ ngày 8 đến 18-6, dự phòng ngày 19-6). Công tác thông tin, tuyên truyền, các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... đã được chuẩn bị xong. Việc kiểm tra, rà soát, vận hành thử hệ thống cầu truyền hình, thử nghiệm các phần mềm đã được tiến hành nhiều lần để bảo đảm vận hành thông suốt…
Về nội dung, kỳ họp thứ chín dự kiến bổ sung một số nội dung gồm: Xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước; xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; các báo cáo của Chính phủ…
Tuy nhiên, do thời gian tiến hành kỳ họp rất hạn chế nên đề nghị chuyển sang kỳ họp sau các nội dung không kịp trình tại phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chưa thật sự cấp thiết như: Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU.
Thảo luận về chương trình kỳ họp thứ chín, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên tổ chức phiên họp giữa hai đợt để xem xét Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU để trình ra Quốc hội ngay tại kỳ họp tới, không nên để kéo dài.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần quyết liệt để hoàn thành nội dung dự thảo các nghị quyết trình Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến độ chuẩn bị nội dung tại phiên họp giữa hai đợt họp Quốc hội.
Kết luận vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với dự kiến chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí bổ sung 3 nội dung và không đồng ý rút hai nghị quyết nêu trên trong chương trình kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra khẩn trương chuẩn bị các nội dung theo chương trình kỳ họp bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.