(HNM) - Theo Bộ Y tế, bệnh do vi rút Adeno gây ra thường xuất hiện vào mùa đông, xuân và đầu hè. Hiện nay đang là giai đoạn giao mùa từ đông sang xuân, thời tiết thay đổi nên người dân rất dễ nhiễm vi rút Adeno, đặc biệt là trẻ em. Vậy, triệu chứng nào để biết người bệnh đang bị nhiễm vi rút Adeno?
Theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút Adeno kèm theo Quyết định số 2451/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 26-12-2022 thì vi rút Adeno gây bệnh ở người thường nhẹ, trừ một số trường hợp diễn biến nặng khi có bệnh kèm theo như: Suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, ung thư, ghép tạng...
Vi rút Adeno gây bệnh ở người lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm vi gần, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa vi rút. Vi rút Adeno thường gây dịch ở nơi có điều kiện sống kém, đông đúc, có thể do nhiễm trùng bệnh viện qua bàn tay người chăm sóc, dụng cụ thăm khám chăm sóc, đặc biệt ở khoa hồi sức, sơ sinh, đơn vị ghép tạng.
Thời gian ủ bệnh của bệnh do nhiễm vi rút Adeno là 2-12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn. Vi rút Adeno ở người mang có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng; thậm chí cư trú vài năm trong mô bạch huyết, nhu mô thận hay các mô khác. Triệu chứng lâm sàng của nhiễm vi rút Adeno gây bệnh ở người rất đa dạng, sau thời gian ủ bệnh có thể xuất hiện một hay nhiều triệu chứng như: Sốt, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, buồn nôn, đau bụng.
Hiện nay, giải pháp phòng ngừa lây nhiễm vi rút Adeno vẫn là chủ yếu. Giải pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng, điều trị theo sinh lý bệnh, có một số liệu pháp điều trị kháng vi rút nhưng vẫn đang là các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.