(HNM) - Những năm qua, đề tài
Bảo tồn nguồn dược liệu quý
Theo Viện Dược liệu Việt Nam, sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress, kích thích hệ miễn dịch, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn giúp người sử dụng tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường. Do bị khai thác quá mức, nguồn sâm Ngọc Linh bị cạn kiệt và chỉ được trồng tập trung ở vùng núi Ngọc Linh với thời gian từ lúc trồng cho đến khi thu được củ lên đến 5-6 năm.
Công nhân chăm sóc sâm Ngọc Linh. |
Qua hơn 30 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã có một số thành công bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống sâm Ngọc Linh. Nhưng mãi đến năm 2004, nhóm nghiên cứu của PGS-TS Dương Tấn Nhựt (Viện Sinh học Tây Nguyên) mới thiết lập được quy trình nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh thông qua phương pháp phát sinh phôi, tạo rễ bất định và rễ thứ cấp trong điều kiện nuôi cấy mô thực vật. Đây là bước tiến lớn trong việc nhân rộng quy mô sản xuất loài sâm quý hiếm này.
Từ năm 2006 đến năm 2010, các tác giả tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quá trình hình thành cây từ phôi, tạo rễ, nghiên cứu cấu trúc từng loại rễ, hệ thống nuôi cấy, hàm lượng saponin có trong cây và rễ sâm Ngọc Linh. Đến nay, cây phát triển tốt cả trong phòng thí nghiệm và ngoài tự nhiên. Sâm cấy mô đã được trồng tại nhiều điểm ở đỉnh núi Ngọc Linh và khảo nghiệm ở một số nơi thuộc tỉnh Lâm Đồng. Cây con từ 1,5-3 năm tuổi sinh trưởng, phát triển tốt. Cây 3-2-1,5 năm tuổi đều cho hàm lượng các chất chính tương đồng với cây ngoài tự nhiên.
Quá trình nghiên cứu, trồng thử nghiệm cho thấy, khả năng "cứu" sâm Ngọc Linh bằng nhân giống vô tính trước nguy cơ mất nguồn gen quý là hoàn toàn khả thi. Sâm Ngọc Linh được viện nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. So với hai phương thức nhân giống giâm hom và gieo hạt thì phương thức nuôi cấy mô tiên tiến hơn, có thể giúp tiến hành nhân giống sâm hàng loạt trên diện rộng, đáp ứng được nhu cầu về nguồn giống, nguồn nguyên liệu cho thị trường.
Hy vọng cho sâm Việt Nam
Vừa qua, đề tài "Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh" đã được Hội đồng Khoa học nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá đạt loại xuất sắc. Cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô (in vitro) đạt tiêu chuẩn về sức sống và khả năng sinh trưởng cao. Các quy trình được đánh giá hiệu quả và dễ áp dụng.
Viện Sinh học Tây Nguyên là đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu nhân giống sâm Ngọc Linh bằng phương pháp vô tính. Thời gian qua, viện đã phối hợp với một số doanh nghiệp tại Kon Tum trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh được nhân giống vô tính tại huyện Tu Mơ Rông với tỷ lệ cây sống chiếm tới 90%. Sâm thích nghi và phát triển mạnh ở những nơi gần suối, dưới tán rừng nguyên sinh. Độ cao lý tưởng cho sâm sinh trưởng và phát triển là 1.800m so với mặt nước biển. Ngoài ra, tỉnh Kon Tum còn tích cực triển khai bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh theo quy mô hộ gia đình trồng, chăm sóc và quản lý. Đây là mô hình nếu được đầu tư thỏa đáng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc ít người.
PGS-TS Dương Tấn Nhựt cho biết, để hoàn thiện công nghệ trồng sâm Ngọc Linh cần phải có nhiều nghiên cứu, thực nghiệm hơn nữa. Hàn Quốc đã có hàng trăm năm nghiên cứu về sâm để đến bây giờ mọi người mới biết đến sâm Hàn Quốc. Chúng ta chỉ có khoảng 5-10 năm nghiên cứu, kinh phí đầu tư không cao, nếu đòi hỏi ngay kết quả quá lớn là điều không thể. Làm khoa học cần phải tiến hành tuần tự, kiên nhẫn và không làm theo kiểu "mì ăn liền" được. Mọi người mong muốn công trình này được ứng dụng ngay nhưng cũng phải biết rằng từ nghiên cứu ra thực tế cần có thêm thời gian. "Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Có nhiều viện nghiên cứu, trường ĐH và doanh nghiệp đã ứng dụng kết quả nghiên cứu trên. Với thực tế đó, thiết nghĩ Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa để có thể sản xuất một số lượng lớn cây sâm vô tính, đáp ứng được nhu cầu cây giống sâm cho các tỉnh Kon Tum và Quảng Nam" - PGS-TS Dương Tấn Nhựt nhấn mạnh.
Với nỗ lực lớn của các nhà khoa học, nguồn giống sâm Ngọc Linh với quy mô lớn và cây giống tiêu chuẩn đã hoàn toàn chủ động được. Hy vọng một ngày không xa, sâm Ngọc Linh Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, sánh ngang với thương hiệu sâm Hàn Quốc, Trung Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.