(HNM) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bắt đầu chuyến công du 3 nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania, cùng 3 nước Đông Nam Âu là Bulgaria, Serbia và Romania.
Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite (bên phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Trước khi lên đường, Thủ tướng S.Abe khẳng định, chuyến đi nhằm thể hiện rõ mong muốn xây dựng quan hệ ngoại giao rộng mở của Nhật Bản. Ông hy vọng các cuộc thảo luận sẽ dẫn tới thống nhất về hợp tác trong hai vấn đề chính là ứng phó với những thách thức khẩn cấp đối với cộng đồng quốc tế và tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, học hỏi kinh nghiệm của quốc gia Châu Âu để nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị cho Olympic và Paralympic Tokyo 2020 cũng như thảo luận một số vấn đề về khu vực Trung Đông. Chuyến thăm cũng tạo tiền đề tích cực, tiến tới cuộc đối thoại 4 bên đầu tiên giữa Nhật Bản, Estonia, Latvia và Lithuania vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Về vấn đề Triều Tiên, mặc dù trong những ngày gần đây căng thẳng đã phần nào giảm bớt nhờ những kết quả tích cực từ cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Bình Nhưỡng và Seoul trong 2 năm qua, nhưng Thủ tướng S.Abe vẫn chủ trương gây sức ép để Triều Tiên phải ngừng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc xem đây là yếu tố tiên quyết đối với việc bảo đảm hòa bình và an ninh trên thế giới.
Về tăng cường quan hệ kinh tế thương mại, Đoàn tháp tùng Thủ tướng S.Abe trong chuyến công du lần này bao gồm 31 doanh nghiệp thương mại, phụ tùng xe hơi... hàng đầu của Nhật Bản. Trong khuôn khổ chuyến thăm, những tìm hiểu và ký kết hợp tác sẽ giúp các công ty Nhật Bản khai thác tốc độ tăng trưởng ổn định và lao động giá rẻ tại các nước vùng Baltic và khu vực Đông Nam Âu.
Về địa lý, 3 nước vùng Baltic là cửa ngõ kinh tế quan trọng, dẫn vào Liên minh Châu Âu (EU), cũng như Nga và các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Riêng khu vực Đông Nam Âu có thể cung cấp cho Nhật Bản lực lượng lao động tay nghề cao, vốn là điều mà Tokyo rất cần trong bối cảnh dân số già hóa. Tất cả những hướng tiếp cận như vậy sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực thi Hiệp định Tự do thương mại giữa EU và Nhật Bản (JEFTA) vừa ký kết, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019. Trong số các nước Thủ tướng S.Abe thăm lần này, chỉ có Serbia là đang đàm phán gia nhập EU, trong khi 5 nước còn lại đều là thành viên của liên minh.
Sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đã được các đối tác Đông Âu đón nhận nồng nhiệt khi những liên kết với nền kinh tế chất lượng cao và lớn thứ ba thế giới sẽ đem lại cho các quốc gia trong khu vực những cơ hội lớn. Phát biểu trong buổi họp báo sau hội đàm với ông S.Abe, Thủ tướng Estonia Juri Ratas nhấn mạnh, Estonia được xem là một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực số hóa, trong khi Nhật Bản cũng sẽ trở thành một trong những nước đóng góp lớn cho trung tâm phòng thủ mạng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt tại thủ đô Tallinn của Estonia. Về phần mình, Thủ tướng Lithuania Saulius Skvernelis tuyên bố, Lithuania muốn xây dựng quan hệ chiến lược với Nhật Bản dựa trên quan hệ lâu đời giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ hợp tác để tăng cường sức ép lên Triều Tiên. Ngoài Lithuania, Thủ tướng S.Abe cũng nhận được sự đồng thuận của cả Estonia và Latvia về vấn đề Triều Tiên.
Với những cam kết tích cực, chuyến đi của Thủ tướng S.Abe tới các quốc gia Baltic và Đông Nam Âu đã đạt được những hiệu quả thực chất. Bên cạnh việc thắt chặt mối quan hệ song phương, chuyến thăm của nhà lãnh đạo xứ Hoa anh đào tới những nước trong khu vực đã khẳng định chính sách đối ngoại đa dạng nhằm mở rộng vị thế toàn cầu của Tokyo trên bàn cờ chính trị và kinh tế thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.