(HNMO) - Chiều 13-9, Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5 – năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với các cơ quan tổ chức, đã khai mạc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, đây là hoạt động nhằm tôn vinh thành quả sáng tạo của các tác giả qua việc trưng bày, giới thiệu những thiết kế sáng tạo, sản phẩm ứng dụng mỹ thuật có ứng dụng giá trị trong đời sống và tính thẩm mỹ cao.
Triển lãm là hoạt động chuyên môn quan trọng của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, thu hút đông đảo các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân cả nước tham gia. Đây cũng là cầu nối giữa các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trong nước, đồng thời góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Sau hơn 4 tháng phát động cuộc thi và triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5 - năm 2022, Ban tổ chức đã nhận được 538 tác phẩm của 283 tác giả thuộc 25 tỉnh, thành phố gửi tác phẩm tham dự. Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn 201 tác phẩm, bộ tác phẩm của 138 tác giả để trưng bày triển lãm và chấm giải.
Qua triển lãm, người xem được chiêm ngưỡng sự đa dạng của các chất liệu, loại hình sáng tạo, sự phong phú trong tạo hình, thiết kế sản phẩm. Các tác phẩm của loại hình thiết kế sáng tạo có nhiều ý tưởng mới mẻ, cập nhật xu hướng công nghệ mới và đa dạng trong tìm tòi, thể nghiệm hướng tới lợi ích cộng đồng. Mảng sản phẩm ứng dụng có cách tiếp cận chất liệu và hình thức thể hiện phong phú dựa trên nền tảng thủ công truyền thống dân tộc. Hai lĩnh vực này thể hiện rõ nét đời sống của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam hôm nay. Đó là các giá trị truyền thống đang song hành cùng sự phát triển của công nghệ mới và xu hướng thiết kế quốc tế.
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao 2 bộ giải, gồm 22 giải thưởng cho các tác phẩm có chất lượng nổi trội thuộc hai loại hình: Thiết kế sáng tạo và sản phẩm ứng dụng. Trong đó, bộ giải thưởng thiết kế sáng tạo gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Unzipped – Hỗ trợ trẻ vị thành niên về giới tính và ngăn chặn nạn xâm hại tình dục” của nhóm tác giả Lê Thị Thu Thảo, Bùi Hạnh Lưu và Trần Thị Lệ Quyên (Hà Nội); 2 giải Nhì thuộc về các tác phẩm: “ECAP – Bộ thiết bị gắn kết tái sử dụng chai nhựa” của nhóm tác giả Trần Ngọc Thảo, Nguyễn Thị Trúc Anh, Lê Trần Mai Khanh, Lê Đào Lan Trúc (thành phố Hồ Chí Minh); “SCC – Hỗ trợ cộng đồng trẻ em nghèo” của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Thu, Lưu Xuân Bách, Trần Thị Lệ Quyên (Hà Nội).
Bộ giải thưởng sản phẩm ứng dụng gồm 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Trong đó, 2 giải Nhì là tác phẩm “Cổ tự môn” (Lê Duy Đức – Sơn La), “Bình hoa đan tre” (Nguyễn Văn Tĩnh – Hà Nội).
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 27-9.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.