(HNMCT) - 5 năm mới diễn ra một lần, Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc hiện là sân chơi riêng lớn nhất của các họa sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế... thuộc ngành mỹ thuật ứng dụng. Nhưng cũng chính những chuyên gia trong ngành phải thừa nhận rằng sức hút của sự kiện còn quá thấp so với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này thời gian qua, mà nguyên nhân quan trọng lại xuất phát từ tên gọi.
Sân chơi hấp dẫn
Diễn ra từ ngày 4 đến 30-10 tại Bảo tàng Hà Nội, Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 là hoạt động chuyên môn quan trọng của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng được tổ chức định kỳ 5 năm một lần (từ năm 2019 trở đi sẽ rút ngắn còn 3 năm một lần). Triển lãm thu hút đông đảo các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia, giới thiệu đến công chúng các tác phẩm sáng tác trong giai đoạn 5 năm (2014 - 2019).
Là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, gắn bó với các kỳ triển lãm mỹ thuật ứng dụng từ thời kỳ đầu đến nay, họa sĩ Ngô Anh Cơ nhận định: "Triển lãm lần này có những tiến bộ rất lớn so với các kỳ triển lãm trước. Chúng ta có chia ra các lĩnh vực nhỏ hơn, có trang trí, có thiết kế sáng tạo, thiết kế ứng dụng... Khâu trưng bày cũng rất tốt, mang đến cho mỗi sản phẩm một đời sống riêng". Nhận định này được rất nhiều nhà nghiên cứu, tác giả đến xem triển lãm đồng tình.
Thực tế thì đây cũng là một triển lãm rất hấp dẫn. Những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng như đồ trang trí, phù điêu, hình ảnh trang trí trên một số công trình kiến trúc tiêu biểu... có từ thời mỹ thuật Đông Dương xuất hiện ngay từ tầng 1 Bảo tàng Hà Nội như một lời đề dẫn.
Tại tầng 4, không gian trưng bày được chia thành 3 khu vực chính: Khu trưng bày các tác phẩm được giải thưởng và tác phẩm của thành viên Hội đồng nghệ thuật, khu trưng bày các tác phẩm thiết kế sáng tạo, khu trưng bày các sản phẩm ứng dụng và sản phẩm trang trí.
Các tác phẩm đoạt giải cũng hết sức thuyết phục, cho thấy tính dân tộc đậm nét. Người xem không khỏi trầm trồ trước vẻ tinh xảo của bộ trang sức cưới lấy hình tượng phượng hoàng trong hoa văn cung đình Huế của tác giả Nguyễn Võ Kim Ánh (giải nhì lĩnh vực Thiết kế sáng tạo), sự kỳ công trong thiết kế bộ cửa Trung hiếu môn của tác giả Trần Nam Tước (giải nhất Sản phẩm trang trí), hay sáng tạo bất ngờ về kỹ thuật đan mây tre của tác giả Nguyễn Văn Tĩnh với Bộ đèn đan vảy rồng (giải nhất Sản phẩm ứng dụng)...
Nhưng vẫn thiếu sức hút
Con số 299 tác giả gửi 568 tác phẩm tham dự triển lãm, theo các chuyên gia là quá ít ỏi so với thực tế phát triển của lĩnh vực này. Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có trên 4.000 làng nghề và có hàng chục triệu lao động sống bằng nghề thủ công truyền thống, riêng Hiệp hội Làng nghề Việt Nam có đến 13.000 hội viên, tuy nhiên số lượng nghệ nhân biết và gửi sản phẩm đến triển lãm chưa nhiều.
Họa sĩ Ngô Anh Cơ cũng cho biết, lực lượng sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng hiện nay rất lớn, với sự phát triển mạnh về số lượng các nhà thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa... rất trẻ nhưng họ chưa thấy được sự hấp dẫn của sân chơi này mà lý do chủ yếu chính là tại tên gọi: Mỹ thuật ứng dụng! Theo ông, thuật ngữ "mỹ thuật ứng dụng" đã không còn phù hợp, đang hạn chế việc nghiên cứu, phát triển lĩnh vực này.
Đồng tình với nhận định này, họa sĩ Lê Ngọc Hân, nguyên giảng viên khoa Gốm, Đại học Mỹ thuật công nghiệp phân tích: Thuật ngữ "mỹ thuật ứng dụng" đã được đưa ra cách đây hơn 25 năm và đã bộc lộc những điều không hợp lý. Thuật ngữ này tưởng rộng mà lại rất hẹp vì sáng tạo nào cũng mang ý nghĩa ứng dụng cả, trong khi đó nó lại làm cho lĩnh vực này kém sang trọng đi vì nhiều người nghĩ ứng dụng là bình dân. Mặt khác lại không đề cập được đến nghệ thuật thủ công.
Từ những phân tích trên, hầu hết giới chuyên môn đề nghị cần phải tách mỹ thuật ứng dụng thành hai lĩnh vực riêng là design (thiết kế) và nghệ thuật thủ công. Họa sĩ Hồ Nam cho rằng: “Trên thế giới, người ta cũng tách mỹ thuật thành hai lĩnh vực là art và design. Riêng Nhật Bản có thêm nghệ thuật thủ công truyền thống. Việc phân định rõ như vậy sẽ giúp chúng ta hội nhập được với thế giới, nâng cao được vị thế của từng ngành”.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng cho biết: Mỹ thuật ứng dụng là lĩnh vực rất rộng, liên quan tới nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề, do nhiều Bộ cùng quản lý. Trong thời gian tới, Cục sẽ nghiên cứu việc sử dụng thuật ngữ mỹ thuật ứng dụng hiện nay để tư vấn các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi.
Các nhà chuyên môn tin tưởng rằng với việc phân tách mỹ thuật ứng dụng hiện nay thành ngành thiết kế và nghệ thuật thủ công với những bộ tiêu chí riêng cho từng ngành sẽ tạo ra nhận thức sáng rõ hơn về từng lĩnh vực, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn giữa người sáng tạo và doanh nghiệp - mối quan hệ sống còn trong lĩnh vực này.
Một số tác phẩm đoạt giải cao tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng 2019:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.