Văn hóa

Triển lãm “Đất nước tôi”: Thiêng liêng và gần gũi

An Định 01/09/2023 - 17:17

Bộ sưu tập tranh về cảnh đẹp quê hương, đất nước của nhiều danh họa kết hợp với hiệu ứng công nghệ vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu qua triển lãm “Đất nước tôi” nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023). Triển lãm mang đến những trải nghiệm mới mẻ, truyền cảm hứng đến người xem về tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào về mỹ thuật nước nhà.

trien-lam-1.jpg
Tiến sĩ Phạm Anh Minh giới thiệu tác phẩm tại triển lãm với khách tham quan bảo tàng.

Đất nước tôi

“Đất nước tôi” - tên triển lãm giản dị nhưng đầy sức mạnh bởi nó chạm đến một miền cảm xúc vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, vừa ẩn sâu, vừa thường trực trong mỗi con người. Tiến sĩ Phạm Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Đất nước là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều loại hình nghệ thuật: Văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu..., đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thành công về chủ đề này. Đối với mỹ thuật, đất nước là tiếng gọi thiêng liêng, là nguồn cảm xúc sáng tạo vô tận của mỗi nghệ sĩ”.

Một minh chứng cho điều đó là bộ sưu tập hơn 80 bức tranh phong cảnh đất nước được chọn trưng bày - những tác phẩm được sáng tác qua nhiều giai đoạn khác nhau trong khoảng thời gian từ năm 1930 cho đến năm 2007 của nhiều danh họa thuộc nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Người xem có thể chiêm ngưỡng tác phẩm của thế hệ Mỹ thuật Đông Dương như Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Phan Kế An..., đến thế hệ Mỹ thuật kháng chiến như Lưu Công Nhân, Đào Đức, Đường Ngọc Cảnh, Trần Thanh Ngọc, Nguyễn Thanh Châu..., và các họa sĩ sau này như Lê Vân Hải, Đỗ Thị Ninh, Đặng Thị Khuê... Qua góc nhìn của người nghệ sĩ với ngôn ngữ tạo hình phong phú, vẻ đẹp đặc trưng và đa sắc của các vùng miền trên đất nước Việt Nam đã được khắc họa rõ nét, sống động. Các tác phẩm được thực hiện với nhiều chất liệu và bút pháp, tất cả đều thấm đẫm tình yêu con người, quê hương, đất nước.

Họa sĩ Đỗ Đức, một người có tranh dự triển lãm, chia sẻ: “Tôi rất cảm động vì được nhìn lại bức tranh mình vẽ năm 1985. Xúc động vì mình năm nay đã 80 tuổi mà vẫn là trẻ nhất trong số các tác giả có tranh được chọn trưng bày ở đây. Tôi vinh dự được đứng cùng các bậc đàn anh, nhìn lại đứa con tinh thần được sáng tác trong giai đoạn đất nước cực kỳ khó khăn. Đó là một giai đoạn thiếu thốn đủ thứ, thiếu vật liệu để vẽ nhưng chúng ta vẫn có được một phòng tranh đầy cảm xúc như vậy”.

Trải nghiệm mới mẻ

Tại triển lãm “Đất nước tôi”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sử dụng song song hai hình thức: Trưng bày tác phẩm gốc kết hợp trình chiếu kỹ thuật số với công nghệ motion graphic (đồ họa chuyển động). Với công nghệ này, lần đầu tiên người xem được thấy cảnh vật, con người trong tranh của các họa sĩ chuyển động.

trien-lam-2.jpg
Khán giả chăm chú thưởng lãm những tác phẩm kinh điển được làm mới bằng công nghệ số.

Đứng trước bức tranh lụa “Ao bèo dâu” của họa sĩ Trần Đình Thọ - sáng tác năm 1973, đã quen thuộc với công chúng qua tranh có kích thước nhỏ (42,8cm x 56,3cm) - được chiếu trên màn hình lớn, người xem như đắm mình trong không gian làng quê Việt cách đây đã nửa thế kỷ. Ở đó, những người nông dân đang hăng hái nuôi trồng, thu hoạch bèo hoa dâu - nguồn phân bón đặc biệt quan trọng trong nông nghiệp khi đó. Không gian mở ra khoáng đạt, mặt ao xao động theo chuyển động nhẹ nhàng của người nông dân, những ngọn tre đu đưa nhịp nhàng trong gió... “Bố cục và tinh thần của bức tranh được giữ nguyên, còn phần chuyển động cũng rất tinh tế, người xem phải tĩnh tâm mới thấy sự chuyển động đó. Chính điều đó mang đến những trải nghiệm mới lạ mà khi xem tĩnh chúng ta không hình dung ra” - chị Vương Lê Mỹ Học, Phó Trưởng phòng Trưng bày giáo dục, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ.

Tiến sĩ Phạm Anh Minh cho biết thêm, bảo tàng đã kết hợp với Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và giải pháp công nghệ 3D Art lần đầu tiên thử nghiệm áp dụng công nghệ số cinemagraph vào trưng bày. Để đảm bảo hiệu quả, bảo tàng đã chọn một số hiện vật có chi tiết vẽ kỹ, hoặc có phong cảnh, quang cảnh lớn phù hợp với việc trình chiếu. “Chúng tôi mong muốn mang đến cho công chúng một trải nghiệm, một cách thưởng lãm tác phẩm mới, khai thác tính ưu việt của công nghệ số. Triển lãm “Đất nước tôi” tổ chức đúng vào dịp 2-9 với cách làm mới mẻ, hy vọng có thể hấp dẫn công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ để truyền tải tình yêu quê hương, đất nước đến với các bạn” - tiến sĩ Phạm Anh Minh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm “Đất nước tôi”: Thiêng liêng và gần gũi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.