Công nghiệp văn hóa

Khoảng trống lớn trong hệ thống bảo tàng mỹ thuật Việt NamKinh nghiệm từ Bảo tàng Louvre

Nhật Quang 20/08/2023 - 15:24

Viện bảo tàng Louvre (Pháp) đã cam kết chi hơn 60 triệu Euro để bảo vệ bộ sưu tập của mình và đảm bảo viện được trang bị để phát triển mạnh trong bối cảnh kỹ thuật số toàn cầu của thế kỷ XXI.

mt5.jpg
Trung tâm bảo tồn Louvre được thiết kế rất hiện đại.

Bảo vệ “kho vũ khí nghệ thuật”

Trong khi nhiều du khách đến Louvre chỉ để mắt đến bức tranh Mona Lisa hay tượng thần Vệ nữ... thì bảo tàng mang tính biểu tượng của Paris này còn tự hào vì có một bộ sưu tập đáng chú ý gồm hơn 250.000 hiện vật khác. Số hiện vật được trưng bày thường xuyên chỉ vào khoảng 35.000. Vì vậy, việc giữ gìn và bảo vệ “kho vũ khí nghệ thuật” này luôn được bảo tàng xác định là một nhiệm vụ to lớn.

Bộ sưu tập khổng lồ của Louvre được lưu giữ tại trên 60 địa điểm ở Paris và các khu vực lân cận - hầu hết đều nằm ở những khu vực dễ bị lũ lụt. Brice Mathieu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Louvre cho biết: Khoảng 150.000 đồ tạo tác của Louvre được lưu giữ dưới mực nước sông Seine, “vì vậy nếu có lũ lụt ở Paris, chúng tôi sẽ mất tất cả”. Khi ngay cả những thay đổi nhỏ nhất đối với độ ẩm không khí cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác lâu đời, thì việc cất giữ các vật phẩm trong các cơ sở dễ bị lũ lụt là một thảm họa chực chờ xảy ra.

Thực tế, vào năm 2018, sông Seine bị vỡ bờ, dẫn đến việc Ban Nghệ thuật Hồi giáo của bảo tàng phải tạm thời đóng cửa. Hai năm trước đó, mực nước sông đạt mức nguy hiểm 6,07m. Mặc dù không có sự xâm nhập nào được xác định, Louvre đã phải đóng cửa trong 4 ngày để sơ tán các tác phẩm nghệ thuật chủ yếu có nguy cơ bị hư hại. Kể từ đó, nhiều hiện vật vẫn được đóng gói để đảm bảo có thể sơ tán nhanh chóng.

Bên cạnh khả năng rủi ro nói trên, nhân viên của Bảo tàng Louvre luôn phải đối diện với “cơn ác mộng” hậu cần trong việc giám sát một bộ sưu tập được phân chia ra nhiều địa điểm. Hơn nữa, một số không gian hiện có này “không được tối ưu hóa để bảo tồn đồ tạo tác vì các vấn đề như quản lý độ ẩm” - theo Mathieu.

Thay vì chịu ở trong trạng thái lo sợ thường trực, Bảo tàng Louvre quyết định hành động bằng một dự án được coi là “tái phát minh” trong công tác bảo tồn và lưu trữ. Trung tâm bảo tồn Louvre được xây dựng trị giá 60 triệu Euro là kết quả của quá trình này. Trung tâm này được khánh thành vào năm 2019 tại Liévin ở miền bắc nước Pháp, ngay bên cạnh Louvre - Lens. Mục tiêu chính của nó là bảo vệ các bộ sưu tập quốc gia của Pháp khỏi nguy cơ lũ lụt; nó cũng được thiết kế để cải thiện các điều kiện bảo tồn và nghiên cứu. Đến năm 2024, trung tâm sẽ có khoảng 250.000 tác phẩm, trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu và học tập lớn nhất châu Âu.

Thiết kế cho tương lai

Được thiết kế bởi công ty kiến trúc Anh Rogers Stirk Harbour Partners, Trung tâm bảo tồn Louvre chuyên về việc bảo quản và xử lý bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật cũng như nghiên cứu và học tập, có các không gian riêng như phòng đóng gói/mở đồ, studio chụp ảnh, phòng hội thảo và phòng tư vấn... Trung tâm bảo tồn Louvre có mái nhà bằng cỏ rộng 17.000m² chứa hệ thống phát hiện rò rỉ chưa từng được sử dụng ở Pháp trước đây. “Nếu có nước tràn qua, nhân viên sẽ được thông báo ngay lập tức” - Mathieu giải thích.

Cơ sở này có một hệ thống hiện đại cho phép vận chuyển dễ dàng các tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác lớn xung quanh các khu vực lưu trữ trên một hệ thống có bánh xe. Hệ thống này cho phép hiện vật được lưu giữ theo những cách giúp tiết kiệm không gian, tận dụng tối đa diện tích của cơ sở.

Trung tâm bảo tồn Louvre nằm dưới lòng đất, có nghĩa là nhân viên có thể “kiểm soát độ ẩm rất tốt vì không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Nó cho chúng tôi khả năng kiểm soát khí hậu tuyệt vời, tất cả đều có thể thực hiện được thông qua thiết kế tùy chỉnh của tòa nhà” - ông Mathieu giải thích.

Một trong những nhiệm vụ hiếm khi được các bảo tàng thực hiện hoàn toàn trong nhà là đóng gói, vận chuyển, lắp đặt tác phẩm nghệ thuật. Việc di chuyển riêng lẻ bộ sưu tập mang lại cơ hội để nghiên cứu và số hóa mọi vật phẩm trong hầm của Louvre. “Trong quá trình chuẩn bị di chuyển, chúng tôi đã chụp ảnh từng đồ tạo tác để bổ sung vào cơ sở dữ liệu. Chúng tôi đã nâng cao kiến thức về bộ sưu tập của mình và điều này giúp ích cho việc tải thông tin, hình ảnh từng đồ tạo tác lên cơ sở dữ liệu trực tuyến” - Giám đốc trung tâm chia sẻ.

“Đó là một cơ hội tuyệt vời cho cả Louvre và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới”, Mathieu nói thêm: “Chúng tôi muốn chào đón các nhà nghiên cứu từ Pháp, châu Âu và trên toàn thế giới đến thăm trung tâm bảo tồn. Điều quan trọng đối với chúng tôi là làm cho nơi này trở nên sống động; chúng tôi không muốn nơi này hoàn toàn là để lưu trữ”.

“Đây là một bước tiến quan trọng đối với Louvre, vì điều đó có nghĩa là chúng ta có thể đạt được những điều mà trước đây không thể làm được. Nó cũng rất quan trọng đối với tất cả các bảo tàng trên thế giới” - Mathieu kết luận khi nhìn lại dự án mà ông hy vọng có thể giúp lưu lại vô số tác phẩm cho các thế hệ tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảng trống lớn trong hệ thống bảo tàng mỹ thuật Việt Nam Kinh nghiệm từ Bảo tàng Louvre

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.