Công nghiệp văn hóa

Khoảng trống lớn trong hệ thống bảo tàng mỹ thuật Việt Nam: Áp lực của người "canh kho"

An Định 20/08/2023 - 15:21

Hiện vật được coi là xương sống cho mọi hoạt động chuyên môn của một bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày... Tuy nhiên, trong hệ thống bảo tàng mỹ thuật hiện nay vẫn còn nhiều tác phẩm quý chưa được lập hồ sơ thông tin đầy đủ cũng như phải chen chúc trong những kho chứa chật hẹp, không đạt tiêu chuẩn về bảo quản.

mt1.jpg
Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Minh Vũ

Nhiều thứ quý giá phải "nằm kho"

Trong cuộc tọa đàm mới đây về công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, có khá nhiều thông tin đáng chú ý. Đặc biệt là số hiện vật còn trong kho chưa được kiểm đếm, hoàn chỉnh thông tin tại các bảo tàng mỹ thuật trong cả nước.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang lưu giữ hơn 17.000 hiện vật, trong đó có gần 3.000 hiện vật đang được trưng bày thường xuyên tại Cơ sở I (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), số hiện vật còn lại được phân chia về 8 kho bảo quản tùy theo từng loại hình/ chất liệu tại Cơ sở II (số 2, ngõ 31 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội). Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sở hữu một khối lượng hiện vật khá lớn và được sắp xếp, xây dựng hồ sơ khoa học cơ bản nhưng trong đó còn một số hiện vật chưa được đăng ký, xác minh, bổ sung thông tin.

Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ hơn 22.000 hiện vật, được chia thành hai sưu tập chính: Sưu tập hiện vật mỹ thuật cổ - cận đại và hiện vật mỹ thuật hiện đại; bộ sưu tập hiện vật đa dạng về chất liệu, loại hình, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm. Tuy nhiên, với tổng diện tích chỉ hơn 1.900m2 trên tổng 10.690m2 diện tích sàn xây dựng dành cho kho lưu trữ và bảo quản hiện vật khiến cho mật độ hiện vật cao, công tác kiểm kê, bảo quản gặp nhiều khó khăn.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đang lưu giữ và trưng bày, giới thiệu đến công chúng hơn 2.000 tác phẩm mỹ thuật hiện đại, đương đại và các hiện vật mỹ thuật dân gian truyền thống. Đáng lưu ý, Bảo tàng sở hữu 1.808 hiện vật là bản gốc với chất liệu đa dạng, mang nhiều phong cách khác nhau. Trong tổng số 2.039 tư liệu, hiện vật, Bảo tàng đã hoàn thành kiểm kê khoa học 1.706 tư liệu, hiện vật, đạt tỷ lệ 83,67%.

Bảo tàng Mỹ thuật Huế hiện đang trưng bày, lưu giữ, bảo quản hơn 2.000 tác phẩm mỹ thuật, hiện vật và tư liệu về mỹ thuật, trong đó có gần 300 tác phẩm đang được trưng bày, số còn lại được bảo quản ở kho cơ sở.

Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, tổng diện tích kho cơ sở của Bảo tàng chỉ có hơn 100m2 mà phải lưu giữ hơn 1.500 tư liệu, tác phẩm, hiện vật. Trong khi đó, các hiện vật mang đặc thù văn hóa của địa phương được làm từ chất liệu giấy không bền vững (như giấy vàng mã), bị hư hỏng rất nhanh, khó xử lý.

Như vậy, chỉ tính về mặt số lượng, so với số hiện vật còn trong kho, số hiện vật được trưng bày thường xuyên ở các bảo tàng mới chỉ chiếm một phần nhỏ. Nhiều bảo tàng thừa nhận, cần phải thường xuyên kiểm tra, mời các chuyên gia đánh giá lại hiện vật định kỳ để đảm bảo của quý không bị lãng quên trong kho.

mt2.jpg
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh việc số hóa phục vụ công tác lưu trữ, bảo quản và trưng bày số.

Sổ kiểm đếm có từ gần 60 năm trước

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hiện vật bảo tàng là xương sống cho mọi hoạt động chuyên môn, từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày... Công tác kiểm kê hiện vật là một khâu quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng. Đó là hoạt động nhằm khẳng định và đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý cho từng hiện vật. Công tác kiểm kê giúp tạo tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, là cơ sở bước đầu cho mọi hoạt động nghiên cứu khoa học và các khâu nghiệp vụ khác như sưu tầm, bảo quản, xây dựng các bộ sưu tập, tuyên truyền giáo dục, trưng bày và truyền thông quảng bá hình ảnh của bảo tàng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Minh cũng thừa nhận, hệ thống kho cơ sở và trang thiết bị bảo quản của các bảo tàng mỹ thuật trên cả nước còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cũng như về lâu dài của công tác lưu giữ, bảo quản các tác phẩm nghệ thuật theo quy định.

Với số hiện vật lên tới hàng nghìn, kho chứa chật hẹp nhưng khâu kiểm kê của các bảo tàng vẫn hết sức thô sơ. Theo số liệu của Phòng Kiểm kê - Bảo quản, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng hiện đang quản lý hiện vật bằng hệ thống sổ đăng ký hiện vật được hình thành từ những năm đầu thành lập bảo tàng - năm 1966, tức là cách đây gần 60 năm.

Qua thời gian, hệ thống quản lý hiện vật bằng sổ sách này cho thấy những bất cập, cụ thể như hệ thống sổ đăng ký qua nhiều năm khai thác đã cũ, rách; nhiều chỗ sửa chữa, gạch xóa, thông tin chưa được cập nhật... Hiện vật ghi trong sổ đăng ký chưa được phân loại (hiện vật gốc, hiện vật phiên bản, hiện vật tham khảo) để đăng ký riêng mà vẫn đăng ký tất cả vào chung một sổ giống như sổ tài sản của Bảo tàng. Hiện đang tồn tại song song hai loại sổ đăng ký hiện vật để quản lý, dẫn đến việc bị trùng số đăng ký hiện vật, khó tổng hợp số lượng hiện vật và điều đó không đúng với nguyên tắc quản lý hiện vật của bảo tàng...

Còn tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, theo bà Trần Thị Khánh Hồng, Trưởng phòng Kiểm kê - Bảo quản, do chưa xây dựng được phần mềm quản lý hiện vật riêng của Bảo tàng nên công tác kiểm kê - bảo quản gặp một số hạn chế về quản lý hiện vật, tra cứu thông tin chậm, thiếu chính xác, công tác theo dõi, báo cáo, đánh giá tình trạng hiện vật gặp khó khăn. Đội ngũ nhân sự làm công tác kiểm kê - bảo quản còn thiếu, nhất là đội ngũ nhân sự chuyên trách thực hiện công tác bảo quản chuyên nghiệp. Những năm gần đây, vị trí tuyển dụng làm công tác kiểm kê - bảo quản chuyên ngành mỹ thuật hầu như không có người ứng tuyển.

mt3.jpg
Bảo tàng Đà Nẵng đã hoàn thành kiểm kê khoa học đối với gần 84% số hiện vật.

Đẩy nhanh tốc độ số hóa

Để tránh tình trạng hiện vật bị bỏ quên trong kho, một trong những giải pháp được đặc biệt chú ý là đẩy nhanh tốc độ số hóa dữ liệu về hiện vật.

Bắt đầu từ năm 2021, song song với việc quản lý hiện vật bằng sổ sách, phòng Kiểm kê - Bảo quản, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã phối hợp với đơn vị liên quan tới công nghệ tiến hành xây dựng phần mềm quản lý hiện vật và tiến hành nhập dữ liệu vào phần mềm để sử dụng. Tính đến tháng 5-2023, Bảo tàng đã nhập được gần 18.000 phiếu hiện vật (đạt hơn 80% tổng số phiếu hiện vật cần nhập vào phần mềm quản lý hiện vật). Còn tại các bảo tàng khác, tốc độ số hóa nhìn chung vẫn chậm, lượng thông tin liên quan đến hiện vật được số hóa còn chưa đầy đủ.

“Chúng tôi đề xuất: Phiếu hiện vật, Sổ đăng ký hiện vật, Sổ xuất nhập kho hiện vật, Sổ phân loại hiện vật, không viết tay thủ công mà nhập bằng máy tính để thuận tiện cho công tác chỉnh sửa, bổ sung nội dung thông tin và quản lý, rút ngắn thời gian làm việc” - ông Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, đề xuất.

Cũng theo ông Nguyên Kha, hiện nay, Bảo tàng mới quản lý qua phần mềm tích ứng trên web và chương trình phần mềm quản lý hiện vật do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chuyển giao. Tuy nhiên, phần mềm này còn nhiều lỗi, gây khó khăn cho việc tổng hợp dữ liệu.

“Muốn đạt hiệu quả thì phải xây dựng một phần mềm mới dễ sử dụng, tiện ích, phù hợp với bảo tàng mỹ thuật để thực hiện công tác nhập thông tin dữ liệu, rà soát, tìm kiếm và quản lý hiện vật của bảo tàng một cách khoa học hơn” - ông Nguyên Kha nói.

“Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ số hóa 100% hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng. Đây là cơ sở để các bảo tàng quản lý tốt hơn số hiện vật hiện có, đồng thời cũng mang đến cho công chúng cơ hội tra cứu, tiếp cận rộng rãi hơn với nguồn tư liệu, hiện vật chưa được trưng bày tại các bảo tàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoảng trống lớn trong hệ thống bảo tàng mỹ thuật Việt Nam: Áp lực của người "canh kho"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.