(HNMO) - Chiều 4-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2022.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022, Chính phủ đã thống nhất nhận định, trong 6 tháng năm 2022, nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt và những tồn tại, yếu kém, điểm nghẽn của nền kinh tế, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ tích cực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định, nhiều lĩnh vực phục hồi nhanh, như xuất khẩu nông lâm nghiệp, thủy sản, xuất khẩu nông sản đạt 28 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch. Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực.
Tính chung 6 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp; trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 76.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay.
Đồng chí Trần Văn Sơn cho biết, trong 6 tháng còn lại của năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo; bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo, các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, của địa phương; xây dựng kế hoạch thực hiện các nghị quyết, để cụ thể hóa các chính sách vào chương trình, nhiệm vụ cụ thể của các cấp, ngành và địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng, tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng…
“Đặc biệt là triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết về phát triển vùng và các dự án giao thông trọng điểm”, đồng chí Trần Văn Sơn nói.
Đồng thời, tập trung tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện phương án đối với môn lịch sử ở cấp THPT; ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch Covid-19…
“Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng Đảng trong hệ thống hành chính Nhà nước, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nói.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, kết quả tăng trưởng năm 2022
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã thông tin, đối với kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II-2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định quan điểm phát triển đã được xây dựng từ năm 2021, mục tiêu định hướng đã được báo cáo với Trung ương Đảng, Quốc hội với phương châm năm 2022 là năm phục hồi, tạo đà nền tảng quan trọng cho việc từ năm 2023 nền kinh tế đất nước quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.
“Kết quả của quý II và 6 tháng đầu năm 2022 là tổng hòa các giải pháp đã được đề ra trong kế hoạch phát triển trình Quốc hội vào cuối năm 2021. Đồng thời là kết quả của lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành, sự đoàn kết tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân toàn xã hội”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng nền kinh tế vẫn còn gặp khó khăn về giá cả tăng cao và thiếu hụt tức thời về lực lượng lao động. Nhận định hai khó khăn này cũng sẽ có tác động nhất định đến nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng các kịch bản điều hành kinh tế - xã hội tham mưu cho Chính phủ để hoàn thành và phấn đấu hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2022.
Về vấn đề giảm thuế xăng, dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị. Trong đó Bộ Tài chính đề nghị xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít còn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg.
Theo dự tính của Bộ Tài chính, với chính sách này được quyết định từ ngày 1-8, ước thu ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ giảm vào khoảng 7 nghìn tỷ đồng; cùng với việc đồng thời triển khai các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế đối với các loại xăng, dầu thì ước giảm thu ngân sách khoảng 32,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.