(HNMO) - Những ngày gần đây, giá thịt lợn hơi tăng mạnh khiến nhiều tiểu thương và người dân không khỏi lo lắng. Trước tình hình đó, các sở, ngành và doanh nghiệp... trên địa bàn Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường.
Giá tăng, nhà nhà phải xoay xở
Ngày 13-11, giá lợn hơi ở các tỉnh, thành phố phía Bắc đồng loạt tăng so với tuần trước, từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/kg, lên mức giá từ 72.000 đồng đến 75.000 đồng/kg. Ở Hà Nội, giá tăng 2.000 đồng, lên 75.000 đồng/kg.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới chiều 13-11 tại các chợ dân sinh như chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm)… và một số chợ khu vực ngoại thành cho thấy, giá thịt lợn ở mức 130.000-150.000 đồng/kg, tùy loại.
Chị Nguyễn Thị Hải, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Thành Công cho biết: “Mấy hôm nay, các tiểu thương đã phải mua thịt lợn móc hàm với giá 110.000 đồng/kg, nên phải bán với giá từ 140.000 đến 150.000 đồng/kg đối với các loại nạc thăn, sườn thăn, chân giò, ba chỉ…”.
Bà Nguyễn Thị Nhung (ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) chia sẻ, giá thịt lợn cao, gia đình bà phải chuyển sang sử dụng đan xen các loại thực phẩm khác như cá, thịt gà, thịt vịt... vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa không ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu.
Trong khi đó, các siêu thị như Big C, Vinmart, Co.opmart… không tăng giá mặt hàng thịt lợn nhằm giữ ổn định thị trường. Cụ thể, tại siêu thị Big C ngày 13-11, thịt lợn xay có giá 94.500 đồng/kg, nạc vai: 114.000 đồng/kg, chân giò: 110.000 đồng/kg…
Ông Vũ Thanh Tân, đại diện siêu thị Big C cho biết, do thời điểm này giá thịt lợn biến động mạnh nên trong 2 tuần gần đây siêu thị chưa triển khai chương trình khuyến mại thịt lợn dịp cuối tuần như trước. Tuy nhiên, siêu thị vẫn đưa một số sản phẩm như thịt ba chỉ, thịt nạc xay vào chương trình “Giá rẻ mỗi ngày” để hỗ trợ người tiêu dùng.
Từng bước bình ổn giá
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết: “Hiện giá bán thịt lợn tại Co.opmart vẫn đang giữ ở mức bình ổn, không tăng so với mặt bằng giá trên thị trường, mặc dù các nhà cung cấp tăng giá theo từng ngày. Cụ thể: Thịt nạc vai, ba chỉ, thăn: 143.900 đồng/kg; sườn thăn: 162.900 đồng/kg; móng giò: 100.000 đồng/kg…”.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để bảo đảm nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020, Hapro đã chủ động đặt hàng sớm với các cơ sở chăn nuôi, thậm chí ứng trước vốn để bảo đảm đủ nguồn cung theo đặt hàng của Hapro.
Từ góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhận định, hiện tổng đàn lợn của thành phố là 1,8 triệu con, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Để bù đắp nguồn thịt lợn bị thiếu, Sở đã phối hợp với các địa phương khuyến khích người dân chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc khác trong quy hoạch. Đến nay, đàn gia cầm đạt gần 32 triệu con, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018; đàn trâu, bò là 153.217 con...
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi cũng đang giảm dần ở các địa phương; các trang trại chăn nuôi lớn vẫn duy trì tổng đàn, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nên hạn chế được dịch bệnh. Do đó, các cơ quan chức năng vẫn kiểm soát được nguồn cung thịt lợn cho thị trường cuối năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối thực hiện cấp đông thịt lợn an toàn từ khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát (tháng 3-2019) để bảo đảm một phần nguồn cung; chủ động phối hợp với các địa phương khác bổ sung nguồn hàng, đồng thời phát triển các sản phẩm khác như thịt trâu, bò, gia cầm... Hiện, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã xây dựng kế hoạch đa dạng các nguồn cung thịt lợn, kể cả thịt nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin thêm: "Để bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp lớn có phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng. Đặc biệt, Bộ sẽ có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn sau khi cân đối cung - cầu...".
Với diễn biến thị trường như hiện nay, các giải pháp đang thực hiện nhằm bình ổn giá thịt lợn có vai trò rất quan trọng, góp phần ổn định thị trường, tránh tình trạng khan hàng, “sốt giá” ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.