Nông nghiệp - Nông thôn

Dự báo mưa lớn kết hợp lũ rừng ngang, 4 huyện Hà Nội tập trung ứng phó

Kim Nhuệ 09/09/2024 - 21:04

Từ chiều tối nay 9-9 đến chiều tối 11-9, thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Mưa lớn dự báo diễn ra đến 11-9.

song-bui(2).jpg
Mực nước sông Bùi lên cao, tiệm cận mức báo động lũ cấp III vào chiều nay 9-9. Ảnh: Bảo Châu

Từ chiều tối nay 9-9 đến chiều tối 11-9, thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn 150mm. Khu vực nội thành, nhiều tuyến đường úng ngập, tuy nhiên ngoại thành lượng mưa không đáng kể. Tại trạm đo mưa xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ), từ 18-19h, lượng mưa 1,9-8,7mm, sau đó không mưa.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, từ đêm nay 9-9 đến ngày 11-9, Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc mưa to đến rất to, gia tăng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Đêm 11 và sáng 12-9, thành phố Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to và dông, lượng mưa phổ biến 15-30mm, có nơi lớn hơn.

Về thủy văn, hồ thủy điện Hòa Bình đang duy trì mở 2 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy, hồ thủy lợi Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) đang xả tràn. Kết hợp lượng mưa lớn trong lưu vực nên đêm nay và ngày mai (10-9), lũ trên các sông của Hà Nội tiếp tục lên.

Các huyện thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất có nguy cơ rất cao xảy ra sự cố đê điều, gây ngập lụt khu dân cư khi mực nước sông Tích, sông Bùi đang ở mức cao.

Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 9-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung khắc phục hậu quả bão số 3; thực hiện nghiêm lệnh báo động lũ trên các sông: Tích, Bùi, Đáy, Cầu. Đặc biệt, các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, bảo đảm an toàn đối với người dân sinh sống ở những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ rừng ngang, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập; khu vực sườn đồi, núi dốc, nguy cơ sạt lở đất; tăng cường kiểm tra, tuần tra canh gác, bảo vệ hệ thống đê điều, công trình hồ đập để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu; sẵn sàng phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự báo mưa lớn kết hợp lũ rừng ngang, 4 huyện Hà Nội tập trung ứng phó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.