(HNM) - Chiều 10-10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1323/CĐ-TTg yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các bộ, ngành liên quan triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả việc ứng phó thiên tai nguy hiểm liên tiếp để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt, cô lập cục bộ.
Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính…
Về diễn biến thời tiết, thiên tai, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng 10-10, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sau khi đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Hải Phòng đến Nam Định, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp không khí lạnh tăng cường nên các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục mưa to đến rất to; các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ có mưa to gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng thấp trũng, ven sông...
Đặc biệt, trên vùng biển phía Đông Philippines đã xuất hiện cơn bão có tên quốc tế là Kompasu. Dự báo đêm 11-10, bão có thể vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, sức gió mạnh nhất trên biển có thể tới cấp 10-11, giật cấp 13 và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, gây gió mạnh, mưa lớn tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ trong một vài ngày tới...
* Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão số 7.
Sau khi nghe báo cáo về công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, nhất là các vị trí trọng điểm, xung yếu; vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19... Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải bám sát diễn biến của bão số 8 để chủ động triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó...
* Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên sáng 11-10 thành phố Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to; thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ C.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.