(HNM) - Từ tháng 3-2019, các cơ sở y tế bắt đầu triển khai sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, bước đầu việc áp dụng thí điểm này đã mang lại thay đổi tích cực...
Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng máy tra cứu thông tin tích hợp điện tử tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên). Ảnh: Hữu Tiệp |
Chưa thể bỏ ngay sổ khám giấy
Cầm chiếc thẻ từ thông minh trên tay, bà Đinh Thị Chạm (phường Việt Hưng, quận Long Biên) đi thẳng đến máy đăng ký tự động tại khu vực làm thủ tục nhập viện của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Sau vài thao tác đơn giản, đặt thẻ vào vị trí quẹt, máy tự động nhận và hiển thị thông tin người bệnh, bà Chạm ấn ngón tay vào ô giao diện có tên phòng khám, lập tức máy hiện lên thông tin phòng và số thứ tự khám. “Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh, tôi phải xếp hàng mua sổ y bạ, tự điền các thông tin, rồi xếp hàng lấy số đăng ký khám… Mỗi lần như vậy, tôi phải chờ đợi rất lâu, nhưng từ khi bệnh viện triển khai thẻ thông minh, thủ tục nhập viện tiến hành rất nhanh, thuận lợi”, bà Chạm chia sẻ.
Cách đây khoảng 5 năm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã “đi tắt đón đầu” trong việc triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, bắt đầu từ việc ứng dụng thẻ từ thông minh. Đến nay, bệnh viện đã cấp 15.000 thẻ từ thông minh cho người dân. Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 1.200 lượt người đến khám, chữa bệnh. Việc ứng dụng thẻ từ thông minh giúp giảm thời gian chờ đợi cho một bệnh nhân đăng ký khám bệnh trung bình từ 30 phút xuống chỉ còn 5-10 giây. Mặt khác, từ năm 2018, bệnh viện đã thí điểm ứng dụng nhận diện vân tay giúp quản lý tốt hồ sơ bệnh án cũng như ngăn chặn việc lạm dụng bảo hiểm y tế. Những bệnh nhân đã từng đến khám tại bệnh viện, sau khi quét vân tay thì hệ thống sẽ hiển thị các thông tin cá nhân, lịch sử khám chữa bệnh và hỗ trợ đăng ký khám.
Tương tự, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, hiện trung bình mỗi ngày khám và điều trị cho hơn 1.500 bệnh nhân, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối đồng bộ tất cả các quy trình từ tiếp đón, khám bệnh, nhập viện, thanh toán viện phí đã giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, việc triển khai bệnh án điện tử tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của y, bác sĩ. Các bác sĩ gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính, thậm chí bệnh nhân kháng thuốc gì, tiền sử bệnh ra sao... đều được hệ thống đều cảnh báo. Hơn nữa, nếu bệnh án điện tử được liên thông giữa các bệnh viện, giữa các tuyến, khi bệnh nhân chuyển tuyến, bác sĩ tuyến trên sẽ nắm được bệnh sử để đưa ra phương án điều trị tối ưu.
Tiện lợi là như vậy, song việc ứng dụng công nghệ thông tin, lập hồ sơ bệnh án điện tử mới chỉ được triển khai bước đầu tại một số bệnh viện lớn, với phần mềm quản lý dữ liệu riêng. Còn đa phần tại các cơ sở y tế, nhất là bệnh viện tuyến huyện vẫn quản lý theo kiểu thủ công, lưu trữ bệnh án giấy và người bệnh đến khám đều phải mua sổ y bạ. Ông Nguyễn Đình Đính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết, nhiều trường hợp điều trị dài ngày, bệnh án giấy dày nhiều tập, việc lưu trữ không đơn giản, nếu chuyển sang bệnh án điện tử sẽ dễ quản lý, theo dõi hơn. Tuy nhiên, với những bệnh viện đa khoa hạng II, bệnh viện tuyến huyện, việc triển khai cần có lộ trình và kinh phí để đầu tư phần mềm quản lý dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực...
Giống như bệnh án điện tử, từ năm 2017, Hà Nội đã thực hiện thí điểm hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia tại 584 xã, phường, thị trấn, giúp quản lý, theo dõi việc tiêm chủng trên giấy sang quản lý bằng phần mềm trên máy tính. Thế nhưng, theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, do chưa cập nhật được đầy đủ tiểu sử, quá trình tiêm chủng của từng trẻ vào phần mềm dữ liệu, nên có những điểm tiêm chủng vẫn triển khai quản lý song song hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử. Do đó, phụ huynh vẫn phải mang theo sổ tiêm chủng để đối chiếu lịch sử tiêm chủng của trẻ, bảo đảm an toàn, tránh sai sót và sự cố đáng tiếc trong quá trình thực hành tiêm chủng.
Triển khai theo lộ trình
Các y, bác sĩ tra cứu bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Hữu Tiệp |
Theo Bộ Y tế, bệnh án điện tử sẽ là kho dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người. Hơn nữa, khi bệnh án này được thông suốt giữa các tuyến y tế sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay, khi triển khai bệnh án điện tử là vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của các bệnh viện chưa đồng bộ. Về vấn đề này, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, Cục đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để làm giao thức kết nối giữa các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn và phần mềm ứng dụng ở các bệnh viện với nhau. "Các phần mềm này phải thống nhất, tránh tình trạng “mỗi nơi một kiểu” và việc chia sẻ liên kết phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật, an toàn thông tin của người bệnh, cơ sở khám bệnh và bệnh viện", ông Trần Quý Tường nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng quy định rõ lộ trình thực hiện bệnh án điện tử. Theo đó, giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai. Giai đoạn từ năm 2024 đến 2028, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, dù có những khó khăn nhất định, song Sở Y tế vẫn quyết tâm sớm triển khai thực hiện đại trà để mang lại thuận lợi nhất cho bệnh nhân và cơ sở khám, chữa bệnh. Trước mắt, ngành Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng có hiệu quả trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh trực tuyến, quản lý kết quả xét nghiệm, thanh toán viện phí… Điều này sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải, tiến tới xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện trong ngành Y tế Thủ đô và phát triển một nền y tế thông minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.