Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai đồng bộ giải pháp, quyết tâm tạo chuyển biến

Thu Trang| 26/05/2016 06:08

(HNM) - Dù thời gian qua các ngành chức năng đã vào cuộc tích cực nhưng công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì thế từ nay đến hết năm 2016, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm ATTP, quyết tâm tạo chuyển biến.



Đây là nội dung chính của hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-UBND thành phố về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và một số nhiệm vụ trọng tâm ATTP 6 tháng cuối năm 2016 diễn ra sáng 25-5 tại Hà Nội.

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu vực chợ Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Văn Chiến


Quy định chồng chéo

Có thể khẳng định, chưa địa phương nào triển khai thanh tra, kiểm tra về ATTP nhiều như Hà Nội. Nhờ đó, công tác quản lý ATTP đã có nhiều chuyển biến, nhiều vụ việc bị phanh phui, nhất là không để xảy ra vụ ngộ độc lớn trên địa bàn. Tuy nhiên, dù đã cố gắng nhưng để đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng kỳ vọng của người dân thì còn nhiều khó khăn. "Dường như, chúng ta chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Công tác quản lý ATTP vẫn theo kiểu, dư luận nổi lên vấn đề gì lao vào giải quyết vấn đề ấy. Khi đến thẩm định, thanh tra, kiểm tra thì cơ sở thực hiện tốt, nhưng khi đoàn thanh tra, kiểm tra đi khỏi lại xảy ra vi phạm…", ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định.

Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Đức Viên cho biết, từ đầu năm đến nay, quận đã tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATTP. Trung bình, một tuần xử phạt trên dưới 200 triệu đồng đối với các cơ sở vi phạm ATTP. Tuy nhiên quá trình này gặp không ít khó khăn, bởi có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra dẫn đến sự chồng chéo. Đơn cử như một quán ăn, trong vòng 1 tháng tiếp đến 3 đoàn kiểm tra, từ đoàn kiểm tra của Sở Y tế, Sở Công thương đến đoàn kiểm tra của UBND phường… Thêm vào đó, văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực ATTP rơi vào cảnh "vừa thừa, vừa thiếu". Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 70 thông tư quy định về ATTP. Thế nhưng, nhiều thông tư trùng nhau, chồng chéo…, khiến lực lượng thực thi rất khó nhớ.

Cần siết chặt công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Ảnh: Anh Tuấn


Sẽ lập 5 đội "phản ứng nhanh"

Để giải quyết những vướng mắc trong vấn đề quản lý ATTP, TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, các địa phương khi báo cáo cần nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác quản lý ATVSTP tại cơ sở. Bởi thực tế thời gian qua, theo báo cáo của các địa phương thì đều "sạch, đẹp", sự phối hợp giữa các ban, ngành, đơn vị đều tốt. Theo TS Nguyễn Hùng Long, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra nếu thấy cơ sở vi phạm về yếu tố vệ sinh nơi sản xuất, vi phạm quy định bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sử dụng thực phẩm "bẩn"… thì phải lập tức xử lý nghiêm. Nếu cơ sở chưa đáp ứng được một số loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận nguồn gốc thực phẩm, giấy khám sức khỏe người trực tiếp tham gia sản xuất… thì phải hướng dẫn cơ sở. Ngoài ra, cơ sở nào sử dụng nước máy để sản xuất, chế biến thực phẩm cũng không yêu cầu họ phải có giấy xét nghiệm nguồn nước định kỳ theo quy định. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, phải tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh, sản xuất thay vì chỉ nhăm nhăm xử phạt.

Về nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, ông Hoàng Đức Hạnh yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất; tập trung vào rau, thịt. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc trong giám sát ATTP, thực hiện tốt Chỉ thị 08 của UBND thành phố về tăng cường quản lý đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, triển khai các mô hình điểm về ATTP… Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, trong công tác quản lý ATTP, chưa thực sự rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ngoài việc xử lý cơ sở vi phạm, phải tiến hành xử lý cán bộ buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Tới đây, nếu phường nào có cơ sở vi phạm ATTP nhiều lần, thì có thể cách chức cán bộ quản lý.

Hiện Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng kế hoạch thành lập 5 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Giám đốc các sở: Y tế, Công thương và NN&PTNT là người trực tiếp chỉ đạo các đoàn kiểm tra này. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận các cuộc gọi phản ánh của người dân về vấn đề ATTP. Cụ thể, đường dây nóng của Sở Y tế: 043. 998 5765, Sở Công thương: 1900585826, Sở NN& PTNT: 043. 3800115. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, 5 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành sẽ giống như những đội "phản ứng nhanh", giải quyết kịp thời các vi phạm liên quan đến ATTP. Khi các đường dây nóng tiếp nhận nội dung phản ánh của lĩnh vực nào, quận huyện nào, các đội "phản ứng nhanh" sẽ có nhiệm vụ xuống địa bàn để phối hợp thanh tra giải quyết. Nếu sự việc có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan công an.

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 59.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó hơn 34.000 cơ sở do ngành Y tế quản lý. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã tổ chức 766 đoàn thanh kiểm tra ATTP, đã tiến hành kiểm tra hơn 43.000 cơ sở, qua đó phát hiện gần 8.000 cơ sở vi phạm và xử phạt 654 cơ sở với tổng số tiền trên 2,65 tỷ đồng. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra ATTP của thành phố đã kiểm tra hơn 10.000 cơ sở, phát hiện hơn 3.000 cơ sở vi phạm, phạt cảnh cáo 571 cơ sở, xử phạt 448 cơ sở với số tiền trên 1,67 tỷ đồng, đồng thời tiến hành tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai đồng bộ giải pháp, quyết tâm tạo chuyển biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.