(HNMO) - Ngày 28-9, BCH Đảng bộ TP Hà Nội đã tiến hành hội nghị lần thứ mười triển khai các nội dung quan trọng: Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI); đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh Bá Hoạt |
Kinh tế Thủ đô tăng trưởng 7,9%
Theo TUV, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, cũng như cả nước, Hà Nội triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm ANQP 9 tháng đầu năm 2012 trong điều kiện có nhiều khó khăn và mức độ khó khăn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao; SXKD bị đình trệ; lượng hàng tồn kho lớn…, đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả SXKD. Số DN giải thể và ngừng hoạt động tăng nhanh, tác động tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người lao động. Trong khi đó, số DN đăng ký kinh doanh chỉ bằng 68% số lượng và 54% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. 15/21 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của TP giảm sản lượng, chỉ số phát triển công nghiệp 9 tháng cũng chỉ bằng 55% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011. Nhiều dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tạm dừng hoặc giãn tiến độ do thị trường bất động sản trầm lắng và ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng chậm (từ 13,7% quý II xuống còn 0,4% trong quý III). Đáng chú ý, thu ngân sách chỉ đạt 63,1% dự toán HĐND TP (trên 92.000 tỷ đồng) và huy động vốn đầu tư xã hội chỉ tăng 13% so cùng kỳ năm 2011.
Sớm dự báo tình hình, xác định khó khăn ngay từ ban đầu, TP đã vận dụng tốt chủ trương, chính sách của Chính phủ, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để ổn định kinh tế, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN SXKD theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP, ngày 10/5/2012 của Chính phủ. Đặc biệt, lãnh đạo TP và một số sở, ngành, quận, huyện đã chủ động tiếp xúc, gặp gỡ DN, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các hợp tác xã; quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất… Mặt khác, TP tiếp tục mở rộng hỗ trợ lãi suất cho các DN đầu tư phát triển sản xuất; tăng cường xúc tiến đầu tư - thương mại - dịch vụ với các thị trường trong nước và thế giới; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho. Các DN cũng được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2012; gia hạn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệ; gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các dự án thực sự khó khăn;...
Nhờ những biện pháp tích cực nêu trên, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì được tăng trưởng. 9 tháng đầu năm 2012, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này tuy thấp hơn so với kế hoạch cả năm (10-10,5%), song đã phản ánh sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của toàn TP trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước. TP đã hỗ trợ hơn 16.000 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 96.000 lao động; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân được chăm lo.
Phía trước còn nhiều khó khăn
Đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, DN và kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, các đại biểu nhận định tình hình 3 tháng cuối năm và năm 2013 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Đồng tình với 16 nhóm giải pháp của Thành ủy nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, TUV, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định, khó khăn chung của DN hiện nay là việc tiếp cận vốn và xử lý hàng tồn kho. Vì vậy, TP nên chia ra các nhóm DN như xây dựng, dịch vụ, cung ứng vật liệu…để có sự hỗ trợ cụ thể, hiệu quả hơn. Đối với giải pháp kích thích tiêu dùng thông qua việc đưa hàng về vùng sâu vùng xa, TUV, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, chủ trương đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn là giải pháp quan trọng kích thích tiêu dụng nhưng cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn; ngoài DN nhà nước, cần tạo điều kiện cho các DN tư nhân tham gia. Nhằm giảm khó khăn cho DN khi tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn giảm tiền thuế đất, TUV, Chánh Văn phòng Thành ủy Đào Đức Toàn cho rằng TP cần rà soát, tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Đối với những dự án đầu tư từ ngân sách như, dự án trọng điểm, công trình giao thông, hạ tầng xã hội, đầu tư xây dựng nông thôn mới cần được tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ.
Tổng hợp các ý kiến tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh 9 tháng đầu năm, TP đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả khích lệ, thể hiện rõ ở các chỉ số cơ bản, như tốc chỉ số giá tiêu dùng, kết quả giải quyết việc làm, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2012. Tuy nhiên, theo dự báo có 2 chỉ tiêu khó đạt được như kế hoạch đó là tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Nhiệm vụ 3 tháng cuối năm rất nặng nề, trong đó phải bình ổn được giá tiêu dùng, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Muốn vậy phải có giải pháp đồng bộ, nhưng xuyên suốt vẫn là giải pháp thúc đẩy hoạt động SXKD, tập trung hỗ trợ tối đa cho DN. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, TP sẽ triển khai có hiệu quả các giải pháp về vốn, lãi suất; chính sách thuế, hải quan; thị trường và lao động. TP sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp DN tiếp cận và khơi thông dòng vốn; tiếp tục duy trì gói hỗ trợ lãi xuất 100 tỷ đồng, nới rộng phạm vi, đối tượng được thụ hưởng. TP sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch thị trường ngoài nước, đồng thời tìm kiếm thị phần trong nước bằng kích cầu tiêu dùng; tăng cường hợp tác đầu tư với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, TP sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ thực hiện các giải pháp giải quyết tồn đọng của thị trường bất động sản; các mặt hàng tồn kho… Đồng chí Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho DN. Đồng thời với sự hỗ trợ của TP, các DN cũng cần phát huy tính chủ động, thúc đẩy hoạt động SXKD.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn trong SXKD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. TP đã nỗ lực tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, trên một số lĩnh vực có chuyển biến rõ nét. Nổi bật là: Tích cực xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực; quan tâm xây dựng nông thôn mới. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân được chăm lo, nhất là trong dịp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 vừa qua. ANQP được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn có chuyển biến tích cực; vị thế Thủ đô ngày càng nâng lên. Cùng với đó, Thành uỷ đã tập trung chỉ đạo đồng bộ các nhiệm vụ xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt là triển khai có kết quả bước đầu, tích cực trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong toàn Đảng bộ TP.
Thành ủy sẽ ban hành Chỉ thị mới về việc cưới Cũng tại hội nghị, Thành ủy đã lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Chỉ thị “về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội”. Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, trên tinh thần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) và gắn với việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tự nguyện, tích cực hưởng ứng thực hiện tốt nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới; cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của TP phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tổ chức đám cưới của bản thân và gia đình theo quy định: Thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định pháp luật; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần "trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm". Số lượng khách mời không quá 300 người, tương đương 50 mâm cỗ (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người); không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không tổ chức tiệc ăn ở những nơi quá sang trọng, tốn kém, không phù hợp với thu nhập của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.